Việt Nam phát huy vai trò cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc

(VOV5) - Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1991, quan hệ ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực,

Ngày 22/11, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị, tiếp tục khẳng định thông điệp Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy đưa quan hệ ASEAN-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng với tầm vóc của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vừa được thiết lập tại Hội nghị Cấp cao thường niên ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 (26/10/2021).

Việt Nam phát huy vai trò cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1991, quan hệ ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực; đem lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá hợp tác ASEAN và Trung Quốc trong 30 năm qua, đề ra định hướng quan trọng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống lên tầm cao mới.

Dấu mốc trong 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc

Tháng 10/2021, tròn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại, ASEAN và Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Trong 30 năm qua, quan hệ ASEAN – Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, hợp tác kinh tế giữa hai bên đạt được những tiến triển thực chất, hiệu quả. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 30 năm tăng tới 80 lần. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong nhiều năm liền (2009-2021), trong khi đó vào năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 516,9 tỷ USD.

Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, Trung Quốc là một trong những nước Đối tác đầu tiên của ASEAN sớm hoàn tất chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP. Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì trong các lĩnh vực như kết nối, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng thành phố thông minh… và triển khai các thỏa thuận hợp tác liên quan.

Việt Nam phát huy vai trò cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc - ảnh 2Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Lâm Khánh/ TTXVN

Trung Quốc luôn khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới; ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Trong bối cảnh cả ASEAN và Trung Quốc đang cùng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới và đặc biệt là những thách thức do đại dịch COVID-19, hai bên đã thể hiện tinh thần chia sẻ và tương trợ lẫn nhau, tiếp tục hợp tác toàn diện về ứng phó với COVID-19, thúc đẩy sự phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát.

Phát huy vai trò cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc

Là một thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, thời gian qua, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại chính trị, nâng cao hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đưa quan hệ hai bên trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác ổn định và bền vững giữa các nước láng giềng.

Trong năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", ASEAN tiếp tục củng cố đoàn kết, thống nhất, duy trì đà hợp tác, ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19, đồng thời hợp tác hiệu quả với các đối tác, củng cố vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực. Đặc biệt, trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 37 giữa tháng 11/2020, 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác, trong đó có Trung Quốc, đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra thị trường lớn với dân số 2,3 tỷ người và quy mô GDP đạt 28.500 tỷ USD. Đây là thành tựu đáng tự hào, khẳng định mạnh mẽ xu thế thương mại tự do đa phương mở, cân bằng, dựa trên luật lệ.

Việt Nam đang cùng các nước ASEAN hướng về Tầm nhìn Cộng đồng 2025, mở rộng hợp tác với đối tác láng giềng Trung Quốc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, hai bên cùng có lợi, đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, quan hệ ASEAN - Trung Quốc đạt nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt trong 18 năm kể từ khi hai bên nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược. Trong hành trình nhiều dấu ấn ấy, Việt Nam đã cùng ASEAN đóng góp tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, đáp ứng lợi ích của mỗi bên, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển ở khu vực.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác