Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn buôn bán người

(VOV5) - Cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp cụ thể phòng, chống mua bán người, Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm đẩy lùi tệ nạn buôn bán người.

Trên cơ sở đặt quyền lợi con người làm trung tâm các quyết sách, trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn bán người. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp và coi đây là cuộc chiến không khoan nhượng. Đáng tiếc là Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã không nhìn nhận đúng những quyết tâm ngăn chặn nạn buôn bán người của Việt Nam trong Báo cáo thường niên về tình hình mua bán người của 189 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới vừa công bố hồi trung tuần tháng 7/2022.

Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn buôn bán người - ảnh 1Lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị chức năng tuần tra ở các tuyến biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh: cand.com

Với đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, Việt Nam thường xuyên phải đối phó với nạn buôn bán người. Theo Bộ Công an, phần lớn nạn nhân buôn người bị bán sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, 20% sang các nước khác qua đường bộ, hàng không, đường biển. Từ năm 2011 đến nay, ngành công an đã xác minh, giải cứu hàng nghìn nạn nhân của tệ nạn này.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an Việt Nam đã phát hiện, điều tra 33 vụ, bắt giữ 75 đối tượng phạm tội mua bán người. Số nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 66 người. Bộ Quốc phòng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, vùng biển nhằm kịp thời phát hiện các hoạt động xuất nhập khẩu trái phép, đưa dẫn nạn nhân qua biên giới. Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước, nước ngoài giải cứu, xác minh, bảo vệ và hồi hương nạn nhân bị mua bán.

Tháng 7/2022, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng giải cứu an toàn 07 công dân bị mua bán sang Campuchia nhằm mục đích cưỡng bức lao động, kịp thời phục vụ công tác xử lý đối tượng cũng như góp phần giải quyết triệt để tình trạng này. Thực tế này chứng minh rằng Việt Nam không hề dung túng cho tội phạm buôn người như cáo buộc của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ về tình hình mua bán người ở các nước trên thế giới. Về điều này, ông Đặng Xuân Hồng, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, nêu rõ: "Nhà nước Việt Nam nghiêm trị tội phạm mua bán người bằng pháp luật. Phần báo cáo về tình hình buôn người Mỹ năm nay về Việt Nam đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, thậm chí sai lệch về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người".

Cùng với việc ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phòng, chống mua bán người trên thực tế, Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm đẩy lùi tệ nạn buôn bán người, chống lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Từ ngày 1/1/2022, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cũng chính thức có hiệu lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở nước ngoài và phòng ngừa nạn buôn người.

Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn buôn bán người - ảnh 2Lực lượng biên phòng đến trao trả các thanh niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai cho gia đình sau khi họ bị lừa bán qua Campuchia - Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN

Cùng với việc xây dựng hệ thống luật pháp và thực thi hoạt động phòng chống tệ buôn bán người trên thực tế, Việt Nam còn không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam hiện đang là thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Việt Nam cũng tham gia Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP); Nghị định thư về phòng ngừa trấn áp và trừng phạt nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Nghị định thư Palermo)…Đặc biệt, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Đáng tiếc là những nỗ lực phòng chống mua bán người của Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách toàn diện, chính xác khi vừa qua Bộ Ngoại giao Mỹ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới, trong đó có nêu tên Việt Nam và một số quốc gia khác. Theo ông Đặng Xuân Hồng, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ có các thông tin "không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”.

"Các thông tin phía Mỹ sử dụng để xây dựng báo cáo tiếp tục được thu thập từ các nguồn tin không chính thống của các tổ chức, cá nhân không có thiện chí với Việt Nam như tổ chức “Theo dõi Nhân quyền – HRW”, tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS)”, tổ chức khủng bố Việt Tân... Những đánh giá của phía Mỹ hoàn toàn không có cơ sở, phủ nhận hoàn toàn nỗ lực và cố gắng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công cuộc phòng chống mua bán người, tiến tới xóa bỏ tình trạng mua bán người ở Việt Nam. Việc Mỹ cùng các thế lực thù địch sử dụng vấn đề mua bán người để chỉ trích, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế" - ông Hồng nói.

Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày 30/7 hằng năm được chọn là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Nhân dịp này, ngày 18/7/2022, các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phối hợp triển khai việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Việc ban hành Quy chế đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác