(VOV5)- Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Mie, Nhật Bản từ ngày 26 đến 28/5. Là 1 trong 7 nước ngoài nhóm G7 được mời tham dự Hội nghị mở rộng, Việt Nam được xem là một quốc gia tích cực, tham gia đóng góp vào các vấn đề toàn cầu.
Đây không phải là lần đầu tiên Hội nghị G7 mời các nước không thuộc nhóm cùng tham dự Hội nghị. Quốc gia đang nắm giữ vai trò Chủ tịch có quyền quyết định mời những nước phù hợp với nội dung kỳ họp. Việc nước chủ nhà mời các nước ngoài nhóm với tư cách khách mời tùy thuộc vào chủ đề, nội dung ưu tiên của chương trình nghị sự và Việt Nam là một lựa chọn của nước chủ nhà Nhật Bản.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và nhóm G7 nói chung đối với uy tín và vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Thể hiện trách nhiệm trước những thách thức toàn cầu
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức vào ngày 27/5, với sự tham dự của các nước G7, Liên minh châu Âu và các khách mời gồm: Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Srilanka, Papua New Guinea; các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Ngân hàng phát triển châu Á. Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng bao gồm 2 phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030.
|
Logo Hội nghị Thượng đỉnh G7 2016 tại Nhật Bản. (Ảnh Chính phủ Nhật Bản) |
Nhật Bản năm nay giữ vai trò chủ tịch Hội nghị G7 trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối mặt nhiều thách thức. Sự phát triển kinh tế toàn cầu suy giảm, chủ nghĩa khủng bố đe doạ sinh mạng người dân, làn sóng người tị nạn và những hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng trên biển là những thách thức không khỏ, ảnh hưởng đến hoà bình, thịnh vượng chung. Theo quan điểm của nước chủ Nhật Bản, các nước G7, vốn chia sẻ các giá trị căn bản như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, phải có quan điểm toàn cầu để đem lại lộ trình phù hợp nhất nhằm giải quyết những thách thức này với tầm nhìn rõ ràng.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida (Ảnh: VGP) |
Tại cuộc gặp Đại sứ Nhật Bản hồi tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam và Nhật Bản có thể trao đổi sâu rộng các nội dung nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược thông qua các cuộc găp song phương bên lề hội nghị trong chuyến thăm Nhật Bản lần này. Thủ tướng cũng cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để cùng Nhật Bản tiếp tục đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Không chỉ vậy, cùng với nước chủ nhà và các quốc gia tham dự, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, thảo luận những nội dung chính của chương trình nghị sự, trong đó có vấn đề an ninh khu vực, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng.
Việt Nam khẳng định vị thế thành viên uy tín của cộng đồng quốc tế
Việt Nam hiện đã trở thành một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ được tổng kết trong thành tựu của đối ngoại Việt Nam mà còn được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Liên hợp quốc đã nhiều lần vinh danh Việt Nam với tư cách là một trong số ít quốc gia đi đầu trong thành tích xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và sáng kiến “Một Liên hợp quốc”. Việt Nam cũng đóng góp tích cực trong các chương trình nghị sự phát triển toàn cầu, là một thành viên có trách nhiệm, góp phần quan trọng vào vai trò gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cũng từng nhấn mạnh 3 nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Việt Nam trong hợp tác ở khu vực và thế giới, bao gồm: Tôn trọng và bảo vệ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế; tôn trọng lợi ích của Việt Nam và của đối tác; nỗ lực cùng các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Những sự kiện chính trên con đường hội nhập và gánh vác trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam thể hiện qua việc Việt Nam gia nhập các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực, các cam kết quốc tế hay đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã tham gia Sáng kiến ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong nội khối ASEAN, Việt Nam được xem là “người bảo vệ” các nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết căng thẳng trên biển Đông, đặc biệt luôn là thành viên nỗ lực của khối tìm kiếm một giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế cho vấn đề này.
Với những đóng góp tích cực và có trách nhiệm như vậy, việc Việt Nam là một trong 7 nước ngoài khối G7 tham dự Hội nghị G7 với tư cách khách mời lần này không phải là ngẫu nhiên. Có thể thấy rõ nước chủ nhà Nhật Bản nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung mong muốn đây là dịp để Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung của khu vực và thế giới.