Việt Nam thành công trong lĩnh vực bình đẳng giới

(VOV5) - Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ. 

“Việt Nam đã tự định vị thành công trên bản đồ bình đẳng giới toàn cầu” là đánh giá của Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc bà Elisa Fernandez Saenz mới đây về vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam. Liên hợp quốc cũng đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Việt Nam thành công trong lĩnh vực bình đẳng giới - ảnh 1

Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Nguyễn Thị Kim Ngân. - Ảnh: TTXVN             

Quyền bình đẳng giữa nam và nữ được nêu ngay trong những dòng đầu tiên của Hiến chương Liên hợp quốc được thông qua cách đây 75 năm. Việt Nam đã tích cực biến những mục tiêu của Liên hợp quốc thành thực tế sống động, khi sớm dành cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định. Từ khi xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đề cập vấn đề nam nữ bình quyền cho đến nay, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.

Việt Nam thành công trong lĩnh vực bình đẳng giới - ảnh 2Số lượng doanh nhân nữ ngày càng tăng. - Nguồn: baodansinh.vn 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được ghi nhận trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế: “Ở Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bản Hiến pháp sau đó chúng tôi đều hiến định: “Nam, nữ bình quyền”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao, trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật, triển khai các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này”.

Năm 2006, Việt Nam đã ban hành Luật bình đẳng giới, trong đó yêu cầu các cơ quan Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, cho biết: “Công tác bình đẳng giới tại Việt Nam bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức và người dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới”.

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam là Quốc hội hiện có 26,72% đại biểu là nữ, một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều phụ nữ Việt Nam đang giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ. Sau gần 40 năm kể từ khi thực hiện Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, gần 15 năm kể từ khi Luật bình đẳng giới đi vào hiệu lực và 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới, đặc biệt là những đột phá về nhận thức và hành động. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn góp tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới toàn cầu. Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới. Chúng tôi đã nhìn thấy những thành tựu đáng kể về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua việc đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế tại Việt Nam. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội hòa bình và thịnh vượng”.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới về bình đẳng giới do tác động của kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thiên tai và biến đổi khí hậu và những thay đổi về mặt nhân khẩu học. Những thách thức này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách và hành động cụ thể để giữ vững những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề giới đang tồn tại cũng như những vấn đề giới nảy sinh trong thời gian tới. Việt Nam đã kêu gọi nhiều hơn nữa những nỗ lực chung từ phía các bộ, ban, ngành và tổ chức Chính phủ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác