(VOV5) - Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Việt Nam sau 11 năm kể từ chuyến thăm của bà Angela Merkel tháng 10/2011.
Những tháng cuối năm 2022, Việt Nam chứng kiến nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng. Cùng với các chuyến thăm song phương và tham dự các diễn đàn đa phương của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Việt Nam cũng đón nhiều lãnh đạo các quốc gia thăm chính thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13-14/11/2022. Ảnh: VOV |
Trong đó, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden đang diễn ra với nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, tạo đà cho những xung lực mới thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với hai nước lên một tầm cao mới.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong 2 ngày 13 và 14/11, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Việt Nam sau 11 năm kể từ chuyến thăm của bà Angela Merkel tháng 10/2011. Đây cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau 5 năm và đặc biệt là sau khi cả hai nước có chính phủ mới.
Chương mới trong quan hệ Việt – Đức
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước trong bối cảnh Việt Nam và Đức đang triển khai rất thành công Hiệp định Đối tác chiến lược hơn một thập kỷ qua (ký năm 2011) cũng như thành tựu to lớn trong hợp tác kinh tế - thương mại sau hơn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.
Tại cuộc hội đàm ngày 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Olaf Scholz đã nhất trí mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể, như: mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, duy trì chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu và địa bàn sản xuất; triển khai dự án tuyến metro mới tại Hà Nội với sự tham gia của đối tác Đức; phát triển năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu…Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa, tư pháp – pháp luật, dạy nghề và di cư lao động; sớm đàm phán, ký Hiệp định dạy nghề chất lượng cao và Hiệp định hợp tác di cư lao động có kỹ năng. Việt Nam và Đức chính thức thông qua Kế hoạch hành động cho hai năm 2023-2024 nhằm triển khai mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược song phương, đồng thời đưa ra một tầm nhìn dài hạn cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước từ nay tới năm 2030 và sau đó. Trong chuyến thăm, Việt Nam và Đức đã ký kết bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và đây là thỏa thuận mang tính chiến lược quốc phòng đầu tiên giữa hai nước.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson. Ảnh: VGP/Quang Thương |
Có thể khẳng định, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam sẽ mở ra một chương mới tươi sáng trong quan hệ hợp tác và hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Chuyến thăm cũng thể hiện sự quan tâm và coi trọng ngày một gia tăng của Đức đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là vị thế và vai trò của Việt Nam - một đối tác tin cậy và ổn định của Đức ở khu vực và trong thế giới đang có nhiều biến động.
Tạo đà cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-NewZealand
Hòa chung các hoạt động đối ngoại sôi động trong tháng 11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đang tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-17/11. Chuyến thăm là minh chứng cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-New Zealand đang phát triển hết sức tốt đẹp. Trước thềm chuyến thăm này, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson khẳng định: "Trong 2 năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chúng ta tự hào vẫn duy trì được đà phát triển này. Đặc biệt, hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm viếng ở các cấp. Bản thân quan hệ Đối tác Chiến lược được xây dựng trên cơ sở hợp tác toàn diện ở nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại - kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng và an ninh, phát triển và giao lưu nhân dân. Vì thế, chuyến thăm là cơ hội quan trọng để Thủ tướng Ardern tái khẳng định nền tảng vững chắc này".
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Jacinda Ardern cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung thảo luận các biện pháp để tái kết nối và phục hồi, đặc biệt về kinh tế - thương mại, du lịch sau thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Hàng loạt sự kiện được tổ chức trong dịp này, như: “Đối thoại Doanh nghiệp New Zealand-Việt Nam”; “Đối thoại và Triển lãm AgriConnectioNZ: Đối tác Chiến lược trong Nông nghiệp”. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu của hai nước chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường giao lưu thương mại, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Đáng chú ý, tháp tùng Thủ tướng Jacinda Ardern trong chuyến thăm lần này là phái đoàn doanh nghiệp New Zealand lớn nhất từ trước tới nay, bao trùm nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác đầu tư với Việt Nam. Điều này khẳng định quyết tâm của hai nước sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD vào năm 2024. Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson cho rằng: "Một trong những lợi thế trong hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước là Việt Nam và New Zealand đều là hai nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. New Zealand là một thị trường tự do và rộng mở, chúng tôi biết lợi ích từ việc khai thác các sản phẩm, kỹ năng và chuyên môn do các đối tác thương mại mang lại. Việt Nam với năng lực sản xuất có tiếng chính xác là điều chúng tôi cần. Nếu chúng ta cùng nhận thức rõ được tiềm năng cho các doanh nghiệp hai nước, chúng ta sẽ không chỉ đạt được mục tiêu 2 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2024, mà chúng ta thậm chí sẽ vượt con số này".
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam- New Zealand phát triển ngày càng tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng New Zealand được kỳ vọng tạo đà cho quan hệ hai nước phát triển lên một tầng cao mới.
Anh Huyền - P. Hoa