(VOV5)- Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2000 đã đưa ra.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững tại New York (Hoa Kỳ). Việc Chủ tịch nước tham gia và phát biểu tại Hội nghị lớn nhất của Liên hợp quốc, kể từ sau Hội nghị cấp cao năm 2000 thông qua các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cho thấy sự chủ động, tích cực đóng góp vào các vấn đề toàn cầu của Việt Nam.
Tham dự Hội nghị lần này có gần 170 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước. Lãnh đạo các nước sẽ thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu mới về phát triển, tạo khuôn khổ và định hướng chiến lược về phát triển bền vững trên toàn cầu. Văn kiện Hội nghị sẽ thông qua gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững. Đây là kết quả của quá trình thương lượng tích cực của các nước thành viên Liên hợp quốc trong hơn 2 năm qua, được đánh giá là đáp ứng được mối quan tâm và lợi ích của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và TTK LHQ Ban Ki Moon
|
Việt Nam đạt nhiều mục tiêu thiên niên kỷ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc lần này trong bối cảnh Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội: Kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28%, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Điều đáng nói là Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2000 đã đưa ra, gồm: triệt để loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn, phổ cập giáo dục tiểu học, nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; cải thiện sức khỏe sinh sản; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác; bảo đảm sự bền vững của môi trường; tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển. Trong số này, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là đã đạt và vượt trước giới hạn nhiều mục tiêu, trong đó đặc biệt ấn tượng là thành tích xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2002, trước thời hạn 13 năm.
Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu về đối ngoại, đặc biệt là đã củng cố và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước lớn, các đối tác quan trọng, đẩy mạnh kết nối, liên kết khu vực, tăng cường quan hệ với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia các công việc tại Liên hợp quốc, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực, phấn đấu vì các mục tiêu chung của Liên hợp quốc. Từ năm 2006, Việt Nam là một trong 8 nước thực hiện thí điểm Sáng kiến "Thống nhất hành động" của Liên hợp quốc và đang triển khai thành công Sáng kiến này. Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào nhiều hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc như hợp tác phát triển, gìn giữ hòa bình thế giới…được các nước đánh giá cao.
Chủ động, tích cực đóng góp vào các vấn đề toàn cầu
Trong bối cảnh đó, với kinh nghiệm của mình, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng văn kiện Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc lần này và chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Tại Hội nghị lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trình bày Báo cáo công bố kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ- Vì một thế giới không có ai bị bỏ lại phía sau, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ cùng lãnh đạo các nước chính thức thông qua Văn kiện Hội nghị thượng đỉnh tại Phiên toàn thể; tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc; dự Hội nghị lãnh đạo toàn cầu về Bình đẳng giới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ tiếp xúc với nhiều Tổng thống, Thủ tướng các nước mà Việt Nam cần thúc đẩy quan hệ thực chất, nhất là về kinh tế, thương mại.
Việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững là bước tiếp tục triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam; thể hiện cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trên lĩnh vực này.