(VOV5) - Cơ chế hợp tác Chiến lược kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) và cơ chế họp Cấp cao giữa bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) được thành lập vào tháng 11/2003.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 tại Bangkok, Thái Lan trong 2 ngày 15 và 16/6. Là 2 cơ chế hợp tác đem lại hiệu quả thiết thực, ACMECS 8 và CLMV 9 là cơ hội để các quốc gia tiếp tục thúc đẩy kết nối khu vực, đồng thời đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán coi trọng hợp tác CLMV và ACMECS, hướng tới hoà bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực.
Quang cảnh Hội nghị tiểu vùng Mekong mở rộng diễn ra cuối tháng 3/2018. (Đức Anh/VOV5) |
Hợp tác ACMECS nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong khi đó, cơ chế hợp tác CLMV nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội của các nước CLMV, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV và các nước ASEAN khác.
Sau 15 năm hình thành và phát triển, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hoà bình, ổn định trong khu vực.
Cơ hội thúc đẩy kết nối khu vực
Thời gian qua, các nước trong khu vực Mekong trở thành động lực quan trọng của kinh tế Đông Nam Á và được đánh giá là một trong những khu vực năng động, tăng trưởng hàng đầu trên thế giới. Kết quả đạt được này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của 5 quốc gia trong khu vực và cũng là kết quả của sự hỗ trợ to lớn và hợp tác hiệu quả với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế.
Hiện nay, khu vực đang đứng trước cơ hội phát triển thuận lợi. Do vậy, Hội nghị ACMECS và CLMV lần này là cơ hội để các bên cùng thảo luận về môi trường phát triển mới, thống nhất các nội dung và biện pháp hợp tác để xây dựng một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh, phát triển bền vững và thịnh vượng. Tại Hội nghị tiểu vùng Mekong mở rộng diễn ra đầu năm nay, Thủ tướng Campuchia Hunsen nhấn mạnh: "Chúng ta cần kết nối hiệu quả hơn về đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thông qua những thỏa thuận về thuận lợi hóa giao thông, thiết lập các khu kinh tế dọc biên giới để đóng góp cho những hoạt động kinh tế đa dạng hơn. Tôi cho rằng còn nhiều tiềm năng phát triển đa dạng cho tất cả các thành viên. Thời gian tới, chúng ta cần chú ý hơn tới kết nối mềm, thông qua chuyển giao công nghệ, sao cho di chuyển lao động thương mại và đầu tư được thuận lợi hơn".
Thúc đẩy hợp tác vì tương lai bền vững
Là thành viên tích cực và có trách nhiệm, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hợp tác CLMV và ACMECS. Với vị trí cửa ngõ phía Đông của tiểu vùng Mekong, Việt Nam là một nhân tố không thể thiếu của các hành lang kinh tế Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hàng lang kinh tế phía Nam. Việt Nam đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, cung cấp hỗ trợ phát triển cho các nước
thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở. Tại Hội nghị tiểu vùng Mekong mở rộng diễn ra đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đề xuất: "Chúng ta cần triển khai 3 trụ cột quan trọng. Một là bền vững về kinh tế, hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Phải có một chiến lược phát triển tốt trong dài hạn. Thứ hai là bền vững về môi trường, tại khu vực các cơ chế hợp tác phải được đẩy mạnh tạo môi trường tốt cho người dân và xã hội. Thứ ba là bền vững về văn hóa xã hội, làm sao mọi người dân sống hòa bình, thân thiện, hài hòa, chứ không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế. Tôi mong rằng với chủ trương của Việt Nam sẽ thúc đẩy hướng bền vững này".
Sau 15 năm hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả. Các tiềm năng và lợi thế của khu vực như lực lượng lao động lớn, giá cả cạnh tranh, vị trí địa kinh tế chiến lược đang được phát huy, góp phần bảo đảm triển vọng tăng tích cực.
Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 9 tổ chức tại Thái Lan lần này là dịp để các nhà Lãnh đạo xem xét tình hình thực hiện các kế hoạch hành động đã được thông qua thống nhất các biện pháp hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực và ứng phó với các thách thức chung vì tương lai hòa bình, thịnh vượng của tiểu vùng Mekong. Và với quyết tâm và nỗ lực của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 sẽ mở ra chương mới cho hợp tác khu vực Mekong, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung ở khu vực.