Xóa hết nỗi đau do bom mìn ở Việt Nam

Tuy chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng trên khắp các vùng miền của Việt Nam vẫn còn mang nặng dấu tích chiến tranh và hàng ngày ở không ít vùng, miền vẫn vang lên tiếng nổ của bom mìn còn sót lại. Mỗi năm trôi qua, con số nạn nhân bị tai nạn thương tích vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh lại tăng lên. Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là một cuộc chiến cam go và đầy thử thách của Việt Nam trong thời bình. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo nhà nước về chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh từ 2010-2025 (Ban chỉ đạo 504) vừa chính thức ra mắt tuần qua, tại Hà Nội. Việc ra đời Chương trình 504 là một bước ngoặt quan trọng giúp huy động được sức mạnh tổng hợp cả trong nước và quốc tế, tạo ra cơ chế liên ngành… cho việc giải quyết, xóa bỏ bom mìn trên đất nước Việt Nam

 

Xóa hết nỗi đau do bom mìn ở Việt Nam  - ảnh 1 

Theo số liệu thống kê, riêng số lượng đạn dược do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là hơn 15 triệu tấn và số bom, mìn, vật nổ còn sót lại ước tính khoảng 800 nghìn tấn; hơn 6,6 triệu hecta mặt đất bị ô nhiễm bom mìn, tác động nhiều mặt đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội. Sau chiến tranh, từ năm 1975 tới nay, đã có hơn 42.000 bị chết (30% trong số đó là trẻ em), hơn 63.000 người bị thương, tàn phế do bom mìn… Ngay sau kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn và đã chi hàng trăm triệu USD/năm cho công tác này.

 

 

Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng do số lượng bom mìn lớn nên tình trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam còn rất nặng nề; số bom mìn còn rất lớn ở rất nhiều nơi; tai nạn thương tích đối với người dân, đặc biệt là trẻ em, vẫn diễn ra hằng ngày… Chính vì vậy, một chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là đáp ứng đòi hỏi khắc phục hậu quả bom mìn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 504, cho biết: “Chính phủ Vệt Nam đã phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Nhiệm vụ đặt ra cho việc khắc phục bom, mìn, vật nổ trong thời gian tới rất nặng nề, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.”

 

 

Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn ra đời với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế xã hội, tạo lập môi trường bảo đảm an toàn cho nhân dân sống tại các khu vực ô nhiễm bom mìn và hoà nhập hoàn toàn cho nạn nhân bom mìn vào đời sống xã hội. Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Bộ đội công binh, Đơn vị tham gia trực tiếp trong Chương trình 504, cho biết công tác rà phá bom mìn sẽ được tập trung tại những tỉnh bị ô nhiễm nặng nhất trong cả nước: “Nhiệm vụ của chương trình từ nay đến 2015 là điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc, xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và thiết lập Trung tâm quản lý dữ liệu về khắc phục hậu quả bom mìn. Triển khai các dự án rà phá bom mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trước mắt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, phấn đấu đạt diện tích khoảng 500 nghìn ha trong 5 năm tới.”

 

 

Ngoài công tác rà phá, vô hiệu hóa bom, mìn, để giải phóng đất đai, phát triển sản xuất thì mục tiêu quan trọng nhất của chương trình là giúp người dân nhất là đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng chiến trường cũ bị ô nhiễm bom mìn nặng nề có thêm hiểu biết để từ đó chủ động phòng tránh, giảm thiểu các tai nạn đáng tiếc; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội. Hiện Chương trình Khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh đang dần được lồng ghép với các dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế-xã hội và các hoạt động khác có liên quan. Cùng với đó, Chính phủ và nhiều Bộ, ban ngành tuyên truyền sâu rộng về hậu quả do bom mìn gây ra để đẩy mạnh vận động tài trợ từ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả.

 

 

Với ý nghĩa nhân đạo to lớn này, nhiều Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã cam kết tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông David Bruce Shear cho biết mong muốn của Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có có khắc phục hậu quả của bom, mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. “Mặc dù vật nổ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là vấn đề phức tạp và thách thức, tôi lạc quan rằng: cùng với nhau chúng ta có thể giảm thiểu được tác động tiêu cực của bom mìn vật nổ trong một tương lai không xa. Hoa Kỳ mong muốn được tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam  và các tổ chức phi chính phủ các tổ chức quốc tế góp phần giải quyết và khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

 

 

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn, cho thấy quyết tâm của chính phủ đối với công tác này, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là trong 50 năm sẽ cơ bản rà phá hết số bom mìn còn sót lại. Để đạt hiệu quả thì việc xây dựng kế hoạch theo từng bước ở từng địa phương, từng khu vực trọng điểm phải có lộ trình cụ thể; Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; nâng cao trình độ, năng lực của những người làm công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh./.

 Vĩnh Phong

Phản hồi

Các tin/bài khác