Thông tư 11 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

(VOV5) - Thông tư 11 có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 nhằm quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.

Ngày 15/06/2020 Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Thông tư này là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Luật sư Phùng Quang Cường, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự nêu một số điểm đáng chú ý của Thông tư này:

Nghe âm thanh tại đây:

 

Việc sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một trong những hành động cụ thể về xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước nằm trong Kế hoạch hành động triển khai Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương.

Thông tư 11 có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 nhằm quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Thông tư bao gồm một số nội dung đáng chú ý sau:

Thứ nhất, quy định về các loại hàng hóa được coi là có xuất xứ, bao gồm:

1.     Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên: bao gồm hàng hóa được hình thành một cách tự nhiên trong lãnh thổ Việt Nam hoặc EU. Ví dụ như: khoáng sản khai thác từ lòng đất hoặc đáy biển của nước thành viên; cây trồng và sản phẩm cây trồng được trồng và thu hoạch hoặc thu lượm tại nước thành viên; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên...

2.     Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy: bao gồm các hàng hóa được tạo ra tại một nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 11.

Ngoài ra, Thông tư 11 còn quy định ngoại lệ về hàng hóa có xuất xứ được xác định theo nguyên tắc cộng gộp: Hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại nước thành viên xuất khẩu nếu được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ tại nước thành viên khác, công đoạn gia công, chế biến được thực hiện tại nước thành viên xuất khẩu khác công đoạn gia công, chế biến đơn giản như công đoạn bảo quản để giữ sản phẩm trong tình trạng tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho; tháo dỡ và lắp ghép kiện hàng (với điều kiện các công đoạn này không dùng kỹ năng đặc biệt hoặc máy móc, thiết bị hay công cụ được sản xuất hoặc lắp đặt chuyên dụng).

Thứ hai, quy định về cơ chế chứng minh xuất xứ hàng hóa. Việc chứng minh xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA sẽ được thực hiện theo một trong hai cơ chế là: (i) Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; và (ii) Xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O, mẫu EUR.1).

Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ cho lô hàng có trị giá nhỏ hơn hoặc bằng 6.000 Euro. Việc chứng nhận xuất xứ cho lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Ngược lại, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ cho lô hàng có trị giá nhỏ hơn hoặc bằng 6.000 Euro. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Thứ ba, quy định về nguyên tắc lãnh thổ. Nội dung của nguyên tắc này như sau:

(i) Các điều kiện quy định tại Chương II Thông tư 11 (điều kiện về khai thác, chế biến, gia công hàng hóa...) phải được thực hiện hoàn toàn và không gián đoạn tại một nước thành viên;

(ii) Trong trường hợp hàng hóa có xuất xứ được xuất khẩu từ một nước thành viên, sau đó tái nhập từ một nước không phải thành viên EVFTA, hàng hóa tái nhập được coi là không có xuất xứ, trừ khi chứng minh được 02 yếu tố sau theo yêu cầu của cơ quan hải quan:

  • Hàng hóa tái nhập chính là hàng hóa đã được xuất khẩu đi.
  • Hàng hóa tái nhập không trải qua công đoạn vượt quá công đoạn cần thiết để bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt trong quá trình lưu kho ở nước không phải thành viên EVFTA hoặc trong quá trình xuất khẩu.

Thông tư 11 là văn bản pháp lý quan trọng, được ban hành nhanh chóng và kịp thời để hướng dẫn doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA. Có thể thấy rằng, Thông tư 11 cung cấp những quy định rõ ràng và dễ tiếp cận hơn so với các quy định trong EVFTA để doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng hiểu và áp dụng. Đồng thời, Thông tư 11 cũng cụ thể hóa các quy định trong EVFTA về thủ tục cấp C/O.

So với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Ví dụ như quy tắc về cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ...6 Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu đúng về các quy định tại Thông tư 11 để nắm bắt những ưu đãi về thuế quan mà EVFTA mang lại ngay từ lúc Hiệp định vừa có hiệu lực; đồng thời có phương án để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hàng hóa từ châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ được giảm thuế quan theo Hiệp định này. 

Phản hồi

Các tin/bài khác