(VOV5) - Thủ tướng đề nghị các địa phương trọng điểm phía Nam tập trung phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị thông minh.
Sáng 30/05, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt 8 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt 8 tỉnh vùng kinh tế trọng điển phía Nam. - Ảnh: TTXVN |
Đánh giá Việt Nam đang có những thắng lợi quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đặt vấn đề cần đưa ra những quyết sách nào để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây cũng chính là câu hỏi đối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là khi 8 tỉnh của vùng có vai trò quan trọng đối với đất nước, chiếm 42% GDP và 42% ngân sách cả nước.
Nhắc đến đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam, đó là Việt Nam đang ở ngã ba đường, khi các động lực tăng trưởng truyền thống dần suy yếu để đạt mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Với vai trò vị trí của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chúng tôi đề nghị: Việc thứ nhất, thế giới đang sụt giảm nghiêm trọng, đang tăng trưởng âm, Việt Nam phải phấn đấu cao hơn nữa và 8 tỉnh khu vực năng động, nhiều tiềm năng ở phía Nam, cần phấn đầu vượt mức hoặc bằng mức kế hoạch nhà nước đã giao.
Đây là thời điểm lịch sử mà 8 tỉnh miền Đông Nam bộ phấn đấu. Chính vì vậy, tôi đề nghị thêm biện pháp, giải pháp thực hiện như giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các gói hỗ trợ Chính phủ đã ban hành, đặc biệt những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt tháo gỡ rào cản đối với người dân và doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động kinh tế xã hội thông suốt, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng”.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trọng điểm phía Nam tập trung phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị thông minh trong bối cảnh dự báo sẽ có dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam thời gian tới. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có giải pháp phát triển kinh tế tư nhân; phát triển kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới, kích cầu nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu với thời cơ mới từ các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.