Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

(VOV5) - Sau 28 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng.
Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV - ảnh 1 Ảnh: quochoi.vn

Trong diễn văn bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều 27/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Sau 28 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng: thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

"Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: "Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc  lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng và cũng là năm Việt Nam bắt đầu vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41... Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn thành tốt khối lượng lớn các yêu cầu và nhiệm vụ của năm 2020".

Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trước đó, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985,  Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp; Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết của kỳ họp QH.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác