Các hoạt động song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lào

(VOV5) - Hôm qua (10/10), tại Vietiane, Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan. 

Tại cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Canada; đề nghị hai bên cùng khai thác hiệu quả hơn các cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, trong đó có hỗ trợ của Canada dành cho Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quyền phụ nữ trẻ em, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực.

Các hoạt động song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lào - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao ASEAN. Ảnh: VOV

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhất trí cao với các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đề nghị hai bên tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, cùng khai thác hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai Thủ tướng cũng thống nhất tiếp tục hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực quan trọng khác, như: văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.

Hội kiến Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, 2 nhà lãnh đạo nhất trí triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Ủy ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam – Malaysia nhằm duy trì đà tăng trưởng kim ngạch thương mại khả quan (8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 10 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước); làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực: an ninh, giáo dục, hàng không, du lịch cũng như các lĩnh vực mới, như: kinh tế xanh, kinh tế số. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị 2 bên sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cùng có lợi, như: an ninh, giáo dục, hàng không. Thủ tướng cũng đề nghị hai bên thiết lập cơ chế tham vấn và quản lý về biển, đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân bị bắt giữ phù hợp với luật pháp quốc tế và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng Anwar Ibrahim nhất trí đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc sớm đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới; khẳng định sẵn sàng phối hợp với Việt Nam đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực hợp tác và hỗ trợ Việt Nam sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về việc việc đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU).

          Tại cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU và các nước thành viên; đề nghị EU tiếp tục quan tâm, thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa hai bên (EVIPA), và sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thuỷ hải sản của Việt Nam.

Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, Chủ tịch Charles Michel khẳng định EU sẽ thúc đẩy sớm phê chuẩn EVIPA, xem xét tích cực việc tháo gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam, và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

          Tại cuộc hội kiến Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, 2 bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, như: thương mại - đầu tư, giáo dục – đào tạo, nông nghiệp, giao lưu nhân dân và mở rộng sang các lĩnh vực mới, như: ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế số. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đề ra những lộ trình, bước đi cụ thể để đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào cuối năm 2024 và 3 tỷ USD vào năm 2026.

Thủ tướng Christopher Luxon nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính; khẳng định New Zealand sẽ đẩy mạnh tất cả các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, tiếp tục hỗ trợ ODA trong các lĩnh vực thiết thực theo nhu cầu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, quản lý và ứng phó với thiên tai, phát triển nguồn nhân lực…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác