(VOV5) - Đây là khẳng định của một số Bộ trưởng ở cuối phiên thảo luận sáng nay (1/6), tại nhà Quốc hội.
Phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm ngoái và những tháng đầu năm nay trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình về những vấn đề điều hành kinh tế mà các đại biểu quốc hội quan tâm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Phát biểu tại hội trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong việc điều hành lãi suất và tín dụng, tình hình cuối năm ngoái có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn thách thức. Ngân hàng Nhà nước đã kiên trì giữ đại cục, ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, theo dõi sát diễn biến, tình hình để quyết định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời điểm để ứng phó linh hoạt.
Với điều hành lãi suất, năm ngoái, có 2 lý do khiến Việt Nam phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn: đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh; trong nước, lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021. Bên cạnh đó, áp lực mất giá của đồng Việt Nam là lớn khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng đô la tăng giá mạnh. Theo Thống đốc, cần có giải pháp linh hoạt, đồng bộ để giải quyết những khó khăn này, tránh mất giá đồng tiền, khiến chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tăng cao. Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.
Với những biến động của các ngân hàng Mỹ trong thời gian vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn. Những giải pháp, liều lượng và thời điểm của chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng để tập trung hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân."
Đề cập đến sự phát triển của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã nhận diện hết các khó khăn của nền kinh tế từ cuối năm ngoái. Kết quả tăng trưởng những tháng đầu năm nay là tích cực. Vể nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng cho biết: "Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, khơi thông điểm nghẽn để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Về các chương trình mục tiêu quốc gia, chính phủ sẽ chỉ đạo giải ngân nhanh. Về khó khăn của doanh nghiệp, chính phủ sẽ nghiên cứu có những biện pháp chính sách mạnh hơn và hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới."
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về việc lập dự toán, quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.