Chủ tịch nước chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN

(VOV5) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh lại tinh thần là Đề án đảm bảo chất lượng, phải huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, mọi tầng lớp nhân dân 

Chiều 3/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN - ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đề nghị các thành viên dự họp cho ý kiến về phạm vi nghiên cứu của Đề án, kế hoạch xây dựng, các nội dung của bản, nhiệm vụ, đảm bảo Đề án có tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và 2045:  Tinh thần là chúng ta có một đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan nhà nước, thực sự là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thống nhất những quan điểm cơ bản, đột phá. Nhiều ý kiến đề nghị có những đột phá cần thiết để nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn tới, tầm nhìn 2045 đảm bảo thành công. Trong đó có vấn đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, xây dựng kỷ cương đất nước, phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế. Chúng ta cũng phải đề cập tinh thần lớn là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở tư tưởng để không ngừng củng cố và phát triển.  

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên dự họp đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo. Các thành viên cho rằng, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được làm từ lâu, thể hiện ngay trong Hiến pháp 1946. Do đó, cần có sự đánh giá, tổng kết quá trình này qua từng giai đoạn, qua đó xác định những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới với tầm nhìn 2030 và 2045. Đánh giá cao các thành viên dự họp phát biểu các ý kiến tâm huyết, chất lượng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ:  Đề án khó, nhưng phục vụ sự phát triển của đất nước phục vụ nhân dân, đam bảo dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh chứ không phải một nhà nước pháp trị. Các nhánh quyền lực đều dưới sự lãnh đạo của Đảng, để đất nước phát triển bền vững.  Chính vì vậy yêu cầu bao trùm là việc xây dựng Đề án phải có phương pháp tiếp cận khoa học, tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, phù hợp với quốc tế..

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh lại tinh thần là Đề án đảm bảo chất lượng, phải huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, mọi tầng lớp nhân dân qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác