Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình quốc thư

(VOV5) - Sáng 8/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình quốc thư.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình quốc thư - ảnh 1
Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp


Đại sứ  Cộng hòa Pháp Bertrand Lortholary, Đại sứ Canada Ping Kinikone, Đại sứ  Cata Mohamed Ismali Al Emadi, Đại sứ Cộng hòa Síp Demetrios A. Theophylacton, Đại sứ Croatia Kreso Glavac, Đại sứ Cộng hòa Zambia Abubacar Jal và Đại sứ  Turkmenistan Tajievna Rustamova  đã trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam. Sau lễ trình quốc thư, Chủ tịch nước lần lượt tiếp các Đại sứ.

Tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp Bertrand Lortholary, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên cần tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vũ trụ, vệ tinh, y tế, chế biến thực phẩm... Chủ tịch nước mong rằng trên cương vị mới và với sự hiểu biết về châu Á và Việt Nam, Ngài Đại sứ sẽ tích cực đóng góp cho việc đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển, hiệu quả và thiết thực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình quốc thư - ảnh 2
Đại sứ Canada và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp


Tiếp Đại sứ Canada Ping Kinikone, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn hai bên cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, coi đây là trọng tâm của quan hệ song phương thời gian tới. Nhân dịp này chủ tịch nước đề nghị Canada hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam liên quan đến Hiệp đinh đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sau khi Quốc hội hai nước thông qua hiệp định này.

Tiếp Đại sứ Cata Mohamed Ismali Al Emadi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Cata đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và Hội đồng kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018. Chủ tịch nước đề  nghị Cata xem xét tích cực việc ủng hộ Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch nước đề nghị hai nước đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại, đặc biệt Việt Nam mong muốn tăng xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và Ca-ta có nhu cầu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng...Đồng thời đề nghị phía Ca-ta sớm có văn bản công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam.

Tiếp Đại sứ Cộng hòa Síp Demetrios A. Theophylacton, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng và chủ trương tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Síp. Đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Cộng hòa Síp trong thúc đẩy quan hệ của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị Cộng hòa Síp ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo ban Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và ủng hộ ứng viên Việt Nam vào ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC); đề nghị Síp tiếp tục ủng hộ Việt Nam sớm ký chính thức và triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA) và công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm hiểu thông tin và xây dựng đối tác.

Tiếp Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Zambia Abubacar Jal, Chủ tịch nước đề nghị hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy giao lưu nhân dân để tăng cường hiểu biết lẫn nhau; đồng thời xem xét khả năng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế biển và du lịch là hai lĩnh vực mà Việt Nam và Zambia đều có lợi thế.

Tiếp Đại sứ Croatia Kreso Glavac, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố, phát triển quan hệ với các nước bạn truyền thống, trong đó có Crô-a-ti-a. Chủ tịch nước đề nghị Croatia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, vào Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2017-2021 và ủng hộ đại diện của Việt Nam vào ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021. Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác kinh tế và sớm ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Tại buổi tiếp Đại sứ Turkmenistan Tajievna Rustamova ,  Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, hai bên cần xem xét tăng cường trao đổi đoàn để tìm hiểu các cơ hội hợp tác và thúc đẩy hợp tác trước hết trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh và nhu cầu như dệt may, da giầy, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... Qua đó tạo động lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Chủ tịch nước mong rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Qua đó đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển chung trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác