Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014

(VOV5) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp của Hội nghị về chủ đề “Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách”.

Sáng 10/11, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Đây là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các Lãnh đạo cấp cao APEC.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014  - ảnh 1
Ảnh:qdnd.vn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những cơ hội mới, to lớn với việc hình thành Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các liên kết Đông Bắc Á, Liên minh Thái Bình Dương… Chủ tịch nước nêu bật những nỗ lực và đóng góp của ASEAN trong việc khởi xướng và thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối trong khuôn khổ APEC và ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nổi bật là việc các thành viên ASEAN đã đề xuất "Các Mục tiêu Bogo" năm 1994 tại Indonesia, nêu ý tưởng hình thành “Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương" tại Hà Nội năm 2006, có sáng kiến "Phát triển bền vững và kết nối khu vực" tại Singapore năm 2009 và “Kế hoạch dài hạn APEC về phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư” thông qua tại Bali, Indonesia năm 2013. Về những quan tâm của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ kết nối khu vực là một nội hàm then chốt của đổi mới sâu rộng và hội nhập quốc tế toàn diện mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai. Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực.

Chủ tịch nước nhấn mạnh các ưu tiên hiện nay của Việt Nam là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc - Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu.

Tại buổi gặp, hai bên trao đổi về một số biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, giao lưu giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đàm phán, ký kết các thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, phát huy tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác tích cực tại các diễn đàn đa phương, khẳng định phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ APEC, đặc biệt là khi Việt Nam tổ chức năm APEC 2017 và Papua New Guinea tổ chức năm APEC 2018.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà Lãnh đạo thành viên APEC tham dự cuộc Đối thoại với các thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao và ghi nhận các khuyến nghị thiết thực của ABAC về phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế khu vực cũng như nâng cao vai trò của APEC.

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Bắc Kinh (Trung Quốc),  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’neill. 

Chiều nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà Lãnh đạo của 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)tiến hành Cuộc họp Cấp cao lần thứ 5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nhân dịp diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ 22 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Cuộc họp tập trung đánh giá tiến triển đàm phán trong năm qua và đề ra định hướng thúc đẩy nỗ lực hoàn tất đàm phán. Các nhà Lãnh đạo đều đánh giá những tiến bộ đạt được là rất đáng ghi nhận, tạo cơ sở quan trọng để các thành viên đẩy mạnh nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh Hiệp định TPP cần nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước thành viên, hướng tới bảo đảm phát triển bền vững. Cuộc họp nhất trí nỗ lực bảo đảm TPP là một liên kết kinh tế mở, sẵn sàng đón nhận sự tham gia của các nền kinh tế trong khu vực. Trên tinh thần đó, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung với những định hướng cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán thời gian tới, khẳng định quyết tâm chung sớm hoàn tất một hiệp định toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, tính đến sự  đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên. Tại Cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam quyết tâm và sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên để sớm đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng và vì sự phát triển, phản ánh thỏa đáng những quan tâm, lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên. Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tiếp tục những nỗ lực chung với quyết tâm, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và cùng có lợi.

Nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22, hôm nay, tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có các cuộc gặp song phương với với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Tại cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng lớn làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước ngày càng phát triển. Chủ tịch nước cho rằng hai bên cần đặt ưu tiên cao cho việc củng cố và không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo Cấp cao hai Đảng, hai nước, tăng cường các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, giữa các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề biển Đông là một thực tế. Điều quan trọng nhất là hai bên cần thông qua đàm phán, trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất để phát đi tín hiệu tốt đẹp với nhân dân hai nước và dư luận quốc tế.

Tại cuộc tiếp xúc với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên trao đổi về phương hướng triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có việc phối hợp tổ chức trao đổi đoàn cấp cao và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (1995-2015). Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chủ tịch nước nhấn mạnh đàm phán TPP đã bước vào giai đoạn then chốt; các nước cần thể hiện quyết tâm chính trị cao và có những linh hoạt cần thiết để có thể kết thúc đàm phán theo đúng lộ trình và bảo đảm TPP là một hiệp định toàn diện, cân bằng, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên; bày tỏ Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ và các nước thành viên TPP khác để đạt được mục tiêu này. 

 Tại cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị, an ninh, nông nghiệp, giao lưu nhân dân..., nhất là từ khi hai nước nâng quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” tháng 3/2014. Hai bên trao đổi về phương hướng và các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc quan hệ; nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác.

Tại cuộc gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về các biện pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các nội dung đã thỏa thuận trong Chương trình Hành động giai đoạn 2014-2018, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1955 - 2015); triển khai mạnh mẽ các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trước năm 2018, tiếp tục thúc đẩy hợp tác về an ninh - quốc phòng 2 nước Việt Nam – Indonesia./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác