(VOV5) - Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tổ chức vào tháng 10 năm nay và thông qua vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 năm sau.
Sáng nay (19/8), tại Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định cải cách tư pháp là một trong những trụ cột của hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, vì vậy, nội dung trọng yếu của cải cách tư pháp tập trung vào các nhiệm vụ đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án các cấp. Nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Tòa án nhân dân tối cao đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý bổ sung chương trình xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi): "Nhiệm vụ sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án luật hiện hành đã được ban hành từ năm 2014. Đến nay, qua thực tiễn 8-9 năm thực hiện đã phát huy rất nhiều tác dụng. Tuy nhiên, qua tổng kết đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Do đó, Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) được yêu cầu phải vừa khắc phục được những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành về tổ chức hoạt động của Tòa án, vừa thể hiện quán triệt thể chế hóa Nghị quyết về xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung, về cải cách tư pháp và về tổ chức hoạt động của tòa án nói riêng."
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định của Luật phải phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị và thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tổ chức vào tháng 10 năm nay và thông qua vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 năm sau.