(VOV5) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm là dấu ấn hết sức quan trọng, thể hiện mối quan hệ phát triển tốt đẹp ở mức độ cao giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Tối qua (30/11), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Sân bay quốc tế Nội Bài, ở thủ đô Hà Nội, kết thúc rất thành công chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/11, theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản. Trả lời báo chí về kết quả chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm là dấu ấn hết sức quan trọng, thể hiện mối quan hệ phát triển tốt đẹp ở mức độ cao giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, trong đó dấu ấn nổi bật nhất là việc hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Việc nâng cấp quan hệ phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Trong chuyến thăm, hai bên đã đạt nhất trí cao về các định hướng lớn, quan trọng trong quan hệ hai nước thời gian tới; nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức (ODA), lao động...; thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, như: giảm phát thải, năng lượng sạch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.... Nhân dịp này, hai bên đã ký kết 05 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ, di sản văn hóa.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Fukuoka, chiều 30/11. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
|
Đặc biệt, việc Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Nhật Bản là điểm nhấn của chuyến thăm. Thông qua bài phát biểu, Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp tới tất cả lãnh đạo và người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác, chia sẻ lợi ích và cơ hội phát triển với Nhật Bản.