Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế trong thời gian tới

(VOV5) - Sáng 22/10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch năm 2017; thảo luận đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.


Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế trong thời gian tới - ảnh 1
Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thảo luận sôi nổi về kế hoạch phát triển kinh tế


Đánh giá chung của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng năm 2016, Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn trong quản lý, điều hành, khắc phục khó khăn, tìm giải pháp để phát triển trong  bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội và môi trường trong nước gặp phải những thách thức lớn. Các đại biểu cũng đồng tình với những định hướng, ý tưởng điều hành của Chính phủ trong thời gian tới đồng thời cũng đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ tài chính, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho rằng trong 2 tháng cuối năm để hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần tập trung giải quyết những vấn đề sau: “Tập trung giải quyết giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Giải pháp này là giải pháp đột phá, không thể kéo dài. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh việc tìm thị trường xuất khẩu. Thứ ba là siết chặt kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng và chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đây là điều hệ trọng vì ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất trong nước. Thứ tư là siết chặt kỷ luận kỷ cương tài chính. Sai ở đâu thì phải có người chịu trách nhiệm cụ thể”.


Ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, nêu ý kiến: “Tôi quan tâm nhất là Chính phủ làm thế nào đâỷ nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để rút tiền ra. Sau đó những khoản cổ phần ấy phải có danh mục đầu  tư cụ thể để đảm bảo tài sản của Nhà nước và cân đối được ngân sách. Ngoài ra, đặc biệt phải thực hiện tốt và hoàn thành dứt điểm 3 lĩnh vực tái cơ cấu mà hội nghị Trung ương 4 khóa 11 và Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII đề cập. Có như vậy, chúng ta mới hội nhập kinh tế quốc tế tốt”.


Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Đánh giá về đề án này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đề án đã nêu khá toàn diện những mặt được và chưa được của quá trình tái cơ cấu mà Việt Nam tiến hành từ năm 2013 đến nay. Trong đề án mới, Chính phủ đã nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm, 10 nhiệm vụ cụ thể để triển khai tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, chất lượng tăng trưởng được quan tâm và đặc biệt hơn là đảm bảo hiệu quả đầu tư. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta còn có cả tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả  sử dụng vốn, sử dụng tiền thuế của dân. Đặc biệt hơn, trong đề án đề cập đến vấn đề làm sao nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam mà trong đó phải tập trung giải pháp phát triển các thành phần kinh tế tư nhân cá thể. Đó là nội dung tôi tâm đắc.  Ngoài ra đề án này còn đề cập rất sâu đến phân bổ nguồn lực, tập trung vào các khu vực, lĩnh vực có tiềm năng, như vậy sẽ đem lại hiệu qua cho nền kinh tế, tránh được việc đầu tư dàn đều như trước đây”.


Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác