Đầu tư hạ tầng giao thông để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia

(VOV5) - Các đại biểu cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ là mũi đột phá quan trọng.
Đầu tư hạ tầng giao thông để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia - ảnh 1Toàn cảnh phiên họp chiều 10/1 - Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 10/01, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng chiều dài gần 730 km, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Việc sớm triển khai thực hiện dự án có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết vùng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ là mũi đột phá quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu. Các đại biểu nhất trí với Chính phủ về việc sử dụng đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ Dự án, để hỗ trợ tốc độ phục hồi kinh tế. Trong quá trình triển khai dự án, theo các đại biểu, các Bộ ngành, địa phương và những đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án; phải chú trọng thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo cuộc sống của người dân đến khu tái định cư sao cho nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Theo tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư khoảng gần 150 nghìn tỉ đồng. Khởi công xây dựng vào giữa năm 2023, hoàn thành các dự án vào năm 2025.

Sáng cùng ngày, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 08 luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác