Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được nghiên cứu rất bài bản

(VOV5) - Về giải pháp tài khóa để thực hiện chương trình, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022, dự kiến số giảm thuế sẽ vào khoảng 64.000 tỷ đồng.

Chiều 07/01, trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, 3 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư tham gia giải trình, làm rõ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về giải pháp tài khóa để thực hiện chương trình, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022, dự kiến số giảm thuế sẽ vào khoảng 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021, chi ngân sách cũng là lớn nhất từ trước đến nay. Bộ trưởng cũng đưa ra giải thích trước đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT vì việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi đó, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì những doanh nghiệp thua lỗ không được hưởng.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được nghiên cứu rất bài bản - ảnh 1

Là cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là chương trình chưa từng có tiền lệ. Do đó, Chính phủ đã nghiên cứu rất bài bản dựa trên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp và người dân: "Chính phủ sẽ hỗ trợ cả chiều cung và cầu, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, có thể giải ngân được ngay. Tinh thần triển khai phải nhanh, quyết liệt, đảm bảo tính công bằng, hài hòa. Để có nguồn lực triển khai, Chính phủ sẽ tiết kiệm khoản chi, phấn đấu tăng thu, có lộ trình giảm thuế phù hợp, chống thất thu. Sau đó, Chính phủ mới tính đến huy động vay trái phiếu Chính phủ, vay ODA."

Theo Bộ trưởng, lộ trình huy động và giải ngân cũng đã được tính toán. Riêng trong năm 2022 có thể giải ngân được khoảng 42% tổng số vốn, còn lại giải ngân trong năm 2023.

Về dư địa chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết  dư địa chính sách tiền tệ trong Chương trình phục hồi kinh tế này là ít, chủ yếu là dựa vào chính sách tài khóa. Vì vậy, theo Thống đốc, khi đưa tiền ra theo chính sách tài khóa, cần đảm bảo linh hoạt chính sách tiền tệ, theo sát diễn biến của thị trường chính sách tiền tệ trong nước. Mục tiêu là đảm bảo chương trình thực hiện thành công.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác