Đồng thuận trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy

(VOV5) - Kết quả thực hiện  Nghị quyết có vai trò lớn trong việc cải cách toàn diện tổ chức bộ máy, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện khai thác và phát huy tối đa nguồn lực con người.

Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII họp tại Hà Nội từ chiều 23 đến 24/1. Nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị, trong đó có  nhóm vấn đề tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả thực hiện  Nghị quyết có vai trò lớn trong việc cải cách toàn diện tổ chức bộ máy, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện khai thác và phát huy tối đa nguồn lực con người.

Đồng thuận trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy - ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường điều hành phiên làm việc chiều 23/1/2025. Ảnh: Ngọc Thành/VOV

Nhóm vấn đề tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nội dung trọng tâm nhất tại Hội nghị Trung ương lần này.

Nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng và nhân dân

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt, khẩn trương triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “không cầu toàn nhưng không nóng vội”, với những bước đi, lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, bảo đảm giữ đúng điều lệ Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương.

Chỉ trong 2 tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định; Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết Nghị quyết này.

Các cơ quan, Ban đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương đã đi đầu nêu gương, khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp đầu mối bên trong theo định hướng.

Chính phủ ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải toả tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp.

Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện việc tổng kết; nghiên cứu, đề xuất phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương.

Việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong quá trình thực hiện, những nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được thực hiện ngay theo đúng tinh thần “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở", cụ thể là ngày 30/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của 3 ban Đảng, 4 đơn vị sự nghiệp của Đảng và 6 tổ chức chính trị-xã hội: Nhìn tổng thể đến nay, nhiều phần việc đã vượt tiến độ đề ra và bảo đảm đúng định hướng Trung ương đã chỉ đạo. Sở dĩ các công việc được triển khai thuận lợi, nhanh là vì chúng ta đã biết kế thừa các kết quả công tác sắp xếp bộ máy tổ chức đã được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ trước. Nhiều vấn đề thực tiễn về bộ máy đã được đánh giá và thấy được sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nay Trung ương đặt vấn đề tổng kết nên đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng và trong nhân dân, bởi đó còn là những vấn đề “đã chín, đã rõ”.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến về Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và Phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ, như: giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đề xuất phương án không tổ chức Công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an nhân dân…

Đây là những vấn đề đặc biệt hệ trọng. Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá cho ý kiến để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện; đồng thời, cho ý kiến về những công việc cần tiếp tục triển khai nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Trung ương đến địa phương đều vào cuộc

Liên quan đến Nghị quyết 18, trước đó, ngày 21/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng đã hop phiên thứ hai dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo.

Báo cáo tại phiên họp cho thấy thực hiện Nghị quyết số 18,  ở Trung ương, đã giảm 119 đầu mối cấp vụ của cơ quan, ban đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, dự kiến giảm 4 cơ quan Đảng Trung ương; 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn ở Trung ương; 5 cơ quan của Quốc hội, 13 đầu mối cấp vụ, đơn vị; 5 bộ, cơ quan ngang bộ; 3 cơ quan thuộc Chính phủ, 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; 519 cục và tổ chức tương đương; hơn 3.300 chi cục và tương đương…

Đồng thuận trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy - ảnh 2Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc. Ảnh: Ngọc Thành/VOV

Ở địa phương, dự kiến giảm 66 đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và 264 cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy; 644 đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh; 694 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện; 340 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 1.438 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện…

Những kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan với cách làm mới, hiệu quả và có được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Tinh gọn bộ máy là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thể hiện sự thống nhất cao và quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước. Kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ bước đầu. Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả, nâng cao hiệu lực hoạt động, phục vụ mục tiêu phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác