Đưa quan hệ hữu nghị Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới

(VOV5)- Ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 24 - 26/9 và tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ từ ngày 26 - 28/9.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD. Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 375 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp nhằm khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt - Pháp, góp phần làm sâu sắc quan hệ hai nước, nâng cao vị thế của Việt Nam ở châu Âu.


Đưa quan hệ hữu nghị Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Christian Poncelet, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt, chiều 12/9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 68 nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc nói chung và với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc nói riêng. Các hoạt động tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Phiên thảo luận Cấp cao là cơ hội để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với tiến trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Tại Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 vào ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới; thể hiện Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác