Hội nghị GMS 6 kết thúc tốt đẹp, thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch Hà Nội 2018-2022

(VOV5) - Các lãnh đạo GMS và đại diện các đối tác đều nhất trí cho rằng GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có.

Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng một GMS bền vững, hội nhập và thịnh vượng”, Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) khai mạc trọng thể sáng nay (31/3) tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện nước chủ nhà đăng cai tổ chức. Cùng tham dự có lãnh đạo các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Đại diện Ngân hàng thế giới, Đại diện ASEAN, Đại diện Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, Hội đồng kinh doanh GMS, Đại diện khu vực tư nhân, các đối tác phát triển…

Hội nghị GMS 6 kết thúc tốt đẹp, thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch Hà Nội 2018-2022 - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Với những thành tựu đáng tự hào mà GMS đã đạt được bên dòng Mekong trong 25 năm qua, với quyết tâm của các Chính phủ và sự đồng lòng người dân, cùng sự đồng hành của ADB và các đối tác phát triển, nhất là sự tham gia chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, GMS hoàn toàn tự tin tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên, có vai trò chủ chốt ở khu vực Mekong vì hòa bình, phát triển bền vững mang lại thịnh vượng cho mọi người dân của chúng ta”. 

Trước đó, tại phiên toàn thể, Hội nghị đã nghe báo cáo các kết quả hợp tác đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 5 và việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6 như Kế hoạch Hà Nội giai đoạn 2018-2022, Khung đầu tư khu vực tới năm 2022 và các chiến lược hợp tác ngành của GMS.

Hội nghị GMS 6 kết thúc tốt đẹp, thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch Hà Nội 2018-2022 - ảnh 2Lãnh đạo các nước GMS tham dự hội nghị.

Các lãnh đạo GMS và đại diện các đối tác đều nhất trí cho rằng GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi GMS phải có cách tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhằm phát huy nội lực của từng quốc gia đồng thời liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng về sức mạnh của cả khu vực GMS trong tăng trưởng nhanh, phát triển đồng đều cả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Hội nghị đánh giá cao việc xây dựng Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 – 2022 cùng với Khung đầu tư khu vực 2022 với khoảng 220 chương trình, dự án và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 66 tỷ USD. Thủ tướng Thái Lan Prayt Chanocha cho biết: “Tôi nhất trí với những văn kiện này và  đây sẽ là kết quả hiện hữu của tiến trình hợp tác của chúng ta. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy các dự án kết nối giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là kết nối về mạng lưới giao thông để kết nối hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế phía Nam ở khu vực phía Nam của Thái Lan để thúc đẩy tăng trưởng. Tôi nghĩ kết nối về đường sắt cũng rất quan trọng, giúp tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước chúng ta. Kết nối hạ tầng mềm cũng rất quan trọng để bổ trợ cho kết nối hạ tầng cứng. Chúng ta đã ký kết Hiệp định thuận lợi hóa giao thông xuyên biên giới, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhau thực hiện hiệu quả Hiệp định này và tiếp tục các dự án khác”.

Trên cơ sở Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 – 2022 cùng với Khung đầu tư khu vực 2022 với 220 chương trình, dự án và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 66 tỷ USD, được thông qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị khởi động việc xây dựng Tầm nhìn Hợp tác GMS đến 2030, với nhiệm vụ chính là nâng cao năng lực cạnh tranh,hỗ trợ các nước GMS tham gia ngày càng sâu, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường phối hợp ứng phó với thách thức chung của khu vực, đặc biệt là biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Nhấn mạnh 5 trọng tâm hợp tác lớn thờ gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Thứ nhất, phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt giữa các nước GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài. Thứ hai, thúc đẩy "kết nối tương hỗ" về thương mại - đầu tư. Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0, phải tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực để khu vực GMS có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Thứ tư, xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung. Thứ năm, GMS cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta”.

Khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ: “Khuôn khổ đầu tư khu vực thông qua tại Hội nghị này với 200 dự án trong 5 năm tới sẽ là một bước tiếp theo trong hợp tác giữa chúng ta. Trung Quốc tham gia chặt chẽ và chủ động hỗ trợ tài chính. Chúng tôi hân hạnh với cam kết của mình thực thi kế hoạch này để đóng góp vào sự phát triển đời sống của người dân. Chúng ta cần củng cố quan hệ đối tác chặt chẽ, phát triển mạng lưới cộng đồng vì tương lai chung trong tiểu vùng, đóng góp xây dựng một cộng đồng GMS phát triển bền vững”.

Chúc mừng chính phủ Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh GMS, Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á ADB Takehi Nakao đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, qua đó hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài khu vực GMS, các nhà đầu tư đã kết nối được với nhau, tạo ra sức sống mới cho hợp tác GMS trong giai đoạn mới. ADB đồng thời cam kết đồng hành tiếp tục với GMS trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một khu vực phát triển bền vững, hội nhập.

Tại phiên bế mạc cũng đã diễn ra lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch Hội đồng kinh doanh GMS từ Campuchia sang Lào.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác