(VOV5) - Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2022 trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến tại Paris (Pháp) và các điểm cầu.
Chiều 17/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2022 trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến tại Paris (Pháp) và các điểm cầu.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Với chủ đề “Kết nối khu vực: thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”, diễn đàn thảo luận các giải pháp giúp các nước OECD và Đông Nam Á củng cố tính tự cường của chuỗi cung ứng, nhằm chống chịu tốt hơn đối với các cú sốc, cũng như xây dựng nền tảng cho tương lai xanh hơn và ứng dụng số tốt hơn.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á giai đoạn 2022-2025 cùng Australia, Việt Nam sẵn sàng đóng góp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa OECD và khu vực Đông Nam Á ngày càng toàn diện, hiệu quả, thực chất và bền vững hơn.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "ASEAN đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cùng với đẩy mạnh hợp tác nội khối, tăng cường quan hệ OECD-Đông Nam Á tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên có vai trò rất quan trọng. Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn lần này sẽ đưa ra được những giải pháp toàn diện và có tính khả thi cao để nâng tầm và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ OECD-Đông Nam Á, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của hai khu vực và trên thế giới".
Diễn đàn Bộ trưởng OECD - ASEAN 2022. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất tăng cường hơn nữa hợp tác chuỗi cung ứng giữa OECD và Đông Nam Á; xây dựng, củng cố, kết nối chuỗi cung ứng giữa OECD và Đông Nam Á trên cơ sở tận dụng mạng lưới liên kết kinh tế hiện có; OECD tiếp tục hỗ trợ Đông Nam Á nâng cấp, kết nối hạ tầng; xây dựng ASEAN thành một trung tâm hậu cần; nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực; hỗ trợ Đông Nam Á xây dựng thể chế chính sách, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Cùng với đó, OECD hỗ trợ ASEAN phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của một trung tâm cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, hai bên cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình cho hợp tác, bảo đảm giao thương hàng hoá thuận lợi, thông suốt. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc duy trì môi trường ổn định, bảo đảm thông thương, lưu chuyển hàng hóa qua các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông, vừa là quyền lợi và là nhiệm vụ chung của tất cả các nước.