(VOV5) - Sáng 26/11 theo giờ địa phương (tức chiều 26/11, theo giờ Hà Nội), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Antananarivo, Madagasca, diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 16.
Tham dự Hội nghị có 30 Tổng thống, Thủ tướng và nhiều nhà Lãnh đạo Cấp cao của 80 thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Tại hội nghị lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là đại diện duy nhất đến từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị. Mở đầu bài phát biểu tại lễ khai mạc,thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi đến Nhà nước và nhân dân Cuba lời chia buồn sâu sắc nhất trước sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh Cộng đồng Pháp ngữ đã nỗ lực thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ, văn hóa, bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên với các nước trên thế giới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam đã chủ động tham gia vào việc triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác của Cộng đồng, đóng góp quan trọng vào việc củng cố tình đoàn kết và sự thống nhất nội khối, mở rộng hợp tác giữa các nước thành viên, qua đó góp phần vào sự thịnh vượng chung. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Việt Nam hoan nghênh những nội dung liên quan trong dự thảo Tuyên bố Hội nghị, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ, hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên. Việt Nam chủ trương và sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế với các nước Pháp ngữ; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội với các nước thành viên, nhất là các nước châu Phi".
Chủ tịch nước đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ thúc đẩy và hỗ trợ việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, xây dựng các quan hệ đối tác toàn cầu, bảo đảm nguồn lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực thực thi cho các nước đang phát triển. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Việt Nam mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan về tình hình Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam sẵn sàng là cầu nối của Cộng đồng Pháp ngữ với Cộng đồng ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương để cùng chung sức, đồng lòng vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.