Kiểm soát lạm phát, đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán

(VOV5) - Phần chất vấn và trả lời chất vấn của  Bộ trưởng Bộ tài chính tập trung vào tình hình triển khai và giải pháp thúc đẩy nhanh thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ...
Kiểm soát lạm phát, đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính - Ảnh: quochoi.vn

Sáng 08/6, trong khuôn khổ hoạt động chất vấn của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm trả lời trực tiếp nội dung này.

Phần chất vấn và trả lời chất vấn của  Bộ trưởng Bộ tài chính tập trung vào tình hình triển khai và giải pháp thúc đẩy nhanh thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; công tác quản lý giá và kiểm soát lạm phát; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải pháp phát triển thị trường tài chính lành mạnh…

Về kiểm soát lạm phát, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%. Tuy nhiên, trước những diễn biến giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình thị trường sẽ tác động rất lớn tới mục tiêu kiểm soát cả năm 2022.  

Kiểm soát lạm phát, đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán - ảnh 2Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời phiên chất vấn - Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: "Lạm phát là vấn đề nóng trên thế giới. Hiện nay, tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát đã là 8,3%, EU là 8%, Thái Lan 4,6%. Việt Nam hiện nay đang là 2,25%. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nên giá nguyên liệu, vật liệu nước ngoài tăng thì đương nhiên tại Việt nam cũng tăng. Nhưng Việt Nam có thế mạnh là tự chủ được lương thực, thực phẩm nên lạm pháp tác động đến Việt Nam ít hơn. Để hạn chế đà tăng của lạm phát, giải pháp là sẽ thu tiền về từ trong lưu thông, tiết kiệm chi thường xuyên, quản lý chặt giá cả, thực hiện đúng luật giá, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển".

Tham gia giải trình về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết từ nay đến cuối năm việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải theo sát tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phải phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ tài khóa và chính sách giá để kiềm chế lạm phát.

Liên quan đến phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ: "Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian. Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi".

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời về thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Về việc mua sắm tài sản công, quản lý thuế đối với xe biếu, tặng…
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác