(VOV5) - Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Chiều 18/10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, khai mạc vào sáng ngày 22/10 tới. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày và sẽ họp phiên bế mạc vào ngày 21/11/2018.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 18/10. Báo tài nguyên môi trường |
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Việc chất vấn thực hiện theo phương thức hỏi nhanh –đáp gọn tại Kỳ họp trước tiếp tục được phát huy tại Kỳ họp này. Trong phiên chất vấn sẽ không thảo luận về nội dung báo cáo của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…mà dành thời gian trọn vẹn 3 ngày cho các đại biểu chất vấn những vấn đề Chính phủ đã thực hiện, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được, đề ra giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của Việt Nam, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động.