Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thống nhất cao việc đổi tên thành Luật Căn cước và Thẻ căn cước

(VOV5) - Việc đổi tên luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật. 

Sáng nay (15/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc đổi tên Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước và Thẻ Căn cước công dân thành Thẻ căn cước là phù hợp.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thống nhất cao việc đổi tên thành Luật Căn cước và Thẻ căn cước - ảnh 1Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật Căn cước. Ảnh: VOV

Theo các đại biểu, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng. Theo giải trình của cơ quan thẩm tra, căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên.

Còn dự thảo Luật mà Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam); đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước. Do đó, việc đổi tên luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc bổ sung điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của con người. 

Đại diện Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh dự luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác