(VOV5) - Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã đáp ứng các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 2, chiều 29/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Viết Tôn/ Báo Tin tức |
Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Luật. Về tính tương thích với các cam kết quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã đáp ứng các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ phải đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu công nghiệp lần thứ tư thông qua việc tăng cường khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ quốc tế.