(VOV5) - Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tại buổi làm việc chiều nay, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, 89,54% đại biểu Quốc hội nhất trí năm 2015, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Theo đó, GDP tăng 6,2%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 2%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...
|
Để thực hiện các mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng; tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Về các nhiệm vụ đối ngoại, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Nguyễn Văn Phúc nêu rõ: Thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015; đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp, người dân chủ động hơn trong quá trình hội nhập. Chuẩn bị các điều kiện, tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) 132 tại Hà Nội; tiếp tục củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, tăng cường đối thoại, hợp tác với các đối tác, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng và trong khu vực, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia bằng các biện pháp phù hợp và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tiếp đó, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 với tỷ lệ bội chi ngân sách là 5%.
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật doanh nghiệp sửa đổi, một số đại biểu cho rằng điểm nhấn quan trọng của Dự thảo Luật là đã chuyển được chế định về ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư cũng như ngành nghề kinh doanh có điều kiện sang Luật đầu tư để bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh.
Trước đó, thảo luận dự án Luật Đầu tư sửa đổi sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Luật đầu tư sửa đổi thu hẹp số ngành cấm kinh doanh từ 51 xuống còn 6, trong khi số ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng giảm từ 386 xuống 272. Đây được coi là điểm sáng nhất trong quá trình sửa đổi dự án Luật với hy vọng tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư được tự do kinh doanh và tạo ra động lực mới cho nền kinh tế. Bộ Trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết:Cái mới nhất của luật sửa đổi lần này được đánh giá cao là chúng ta thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm Luật. Trước đây là phương pháp tiếp cận chọn - cho (cái gì cho thì ghi trong luật), cách làm này làm cho tốn kém, khó khăn, không minh bạch. Bây giờ chúng ta chuyển sang phương pháp tiếp cận chọn - bỏ ( những gì cấm thì ghi trong luật, không ghi thì người dân được quyền đầu tư). Đây là sự thay đổi mạnh mẽ của Chính phủ và Quốc hội. Thứ hai là thể hiện sự bảo hộ đầu tư đối với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo hướng minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ ba là đã bỏ mọi thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước. Riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài thì sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, họ sẽ được hưởng quyền lợi bình đẳng như nhà đầu tư trong nước.
Cũng tại buổi thảo luận, một số đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành các điều kiện kinh doanh trước ngày 1/7/2015 (cùng thời điểm luật này có hiệu lực) để các nhà đầu tư không phải chờ đợi; kiến nghị cần có quy định chặt chẽ đối với dự án sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng khan hiếm.../.