(VOV5) - Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trước phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật, bởi dân chủ là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền của mình, tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Song đề nghị cần quy định cụ thể các hình thức công khai thông tin, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Góp ý hoàn thiện dự án luật, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị: Trong luật phải qui định rõ vai trò chủ thể trong đó có các cơ quan nhà nước và trách nhiệm công khai đến đâu, giải quyết đến đâu, để giải quyết tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần rà soát lại các hình thức công khai thông tin, cũng như quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động; biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).