(VOV5) - Sáng 9/11, với đa số biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa 14 trong kỳ họp thứ 2 thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tài chính 5 năm tới là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch tài chính 5 năm tới là phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 6.800 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước.
|
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (TTXVN) |
Về giải pháp để bảo đảm an toàn nợ công, Nghị quyết nêu rõ: Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; bố trí nguồn đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
Cũng sáng nay, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.