Tham dự Hội nghị WCSP5: Quốc hội Việt Nam tiếp tục chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu

(VOV5) -  Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam sang châu Âu sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, từ ngày 5-7/9. Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị WCSP 5 theo hình thức trực tiếp.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam sang châu Âu sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 với các hoạt động ngoại giao chủ yếu theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị WCSP5: Quốc hội Việt Nam tiếp tục chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có các hoạt động tiếp xúc song phương với Lãnh đạo IPU, một số Chủ tịch Nghị viện các nước tham dự Hội nghị; Chủ tịch Hội đồng quốc gia Áo, đại diện các tổ chức quốc tế, gặp gỡ các doanh nghiệp Áo…

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng vào chương trình nghị sự của Hội nghị, qua đó khẳng định thông điệp về một đất nước Việt Nam không ngừng đổi mới, là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay; trong đó khẳng định người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia, hòa bình và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân được đảm bảo cơ bản các điều kiện sống an toàn và hạnh phúc, ấm no.

Hội nghị với Chủ đề “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và trái đất này”, trong đó có các phiên thảo luận xoay quanh các vấn đề như: “Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, “Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”, “Chống lại thông tin sai lệch và ngôn ngữ kích động thù hận trong và ngoài mạng internet cần có các quy định mạnh mẽ hơn”, “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác