(VOV5) - 9 tỉnh bao gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh.
Sáng 4/1, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra tờ trình và đề án của Chính phủ về việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.
Một góc của Trung Tâm Hành Chính - Thành phố mới Bình Dương. |
Tại phiên họp, các đại biểu nghe báo cáo Tờ trình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 9 tỉnh bao gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Tiền Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Dương và Tây Ninh.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, sự quyết tâm chính trị, nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính. Sau khi thực hiện sắp xếp lại 9 tỉnh này, đã giảm được tổng số 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 60 đơn vị hành chính cấp xã.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh như trong các Đề án cũng như các ý kiến giải trình bổ sung của Chính phủ và các địa phương; đồng thời nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và xem xét quyết định.
Một số đại biểu đề nghị cần quan tâm quá trình nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị, khi số lượng dân và diện tích các đơn vị hành chính đô thị tăng lên, song giảm tiêu chí về chất lượng đô thị. Đồng thời, tăng cường quản lý đất đai tại các đơn vị hành chính được sáp nhập và nâng cấp lên đô thị, tránh xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất tự phát ồ ạt, gây phá vỡ không gian và cảnh quan…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh vấn đề quan trọng khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh, đời sống sản xuất của nhân dân, sự đoàn kết trong dân, tránh thất thoát, lãng phí. “Làm việc này rất phức tạp. Để có cái gì 100% toàn là ưu điểm thì không bao giờ có, nhất là tổ chức bộ máy liên quan đến con người, đụng đến hàng trăm, hàng nghìn con người, không bao giờ chỉ có tốt không, bao giờ cũng có hai mặt. Nhưng chúng ta phải nhìn thấy mặt tốt, mặt ưu và xu hướng chung để chúng ta quyết định quyết sách. Chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa phải củng cố, chấn chỉnh và phải hoàn thiện”