Thông điệp của Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ mang tính xây dựng và trách nhiệm

(VOV5) - Việt Nam cho thấy là một quốc gia có trách nhiệm, ủng hộ việc giải quyết mọi xung đột vũ trang bằng biện pháp hoà bình và dựa trên quan điểm chiến lược.

Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khép lại, song học giả Nga tiếp tục có các bài phân tích, bình luận về những nội dung đáng chú ý trong bài phát biểu của đại diện các nước tại Liên Hợp Quốc, trong đó có bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Trong bài bình luận của Tiến sỹ chính trị học Alexander Korolev, trường Kinh tế cao cấp (HSE), với nhan đề “Nghị sự xanh, Cuba, biển: Bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc”, đăng trên trang tin nghiên cứu phương Đông (orientaliarossica.com), nhấn mạnh, bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mang tính xây dựng, bao gồm nhiều vấn đề thời sự.

Thông điệp của Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ mang tính xây dựng và trách nhiệm - ảnh 1Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: baochinhphu.vn

Bên cạnh vấn đề cấp bách về phòng chống COVID-19 và tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu, bài phát biểu nêu một số vấn đề quan trọng khác. Bài phát biểu tuyên bố sự ủng hộ dành cho Cuba và đặc biệt là người dân Cuba, đồng thời cho thấy mong muốn của Việt Nam chống lại chủ nghĩa bảo hộ, các lệnh trừng phạt đơn phương và việc thực thi chính sách đối ngoại "cưỡng ép". Quan điểm của Việt Nam phù hợp với chính sách ngoại giao và kinh tế của đất nước trong những thập kỷ gần đây. Đó là chính sách “đa phương hoá, đa dạng hoá”, mở rộng quan hệ đối tác và thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích sản xuất trong nước và tăng nguồn cung xuất khẩu.

Việt Nam cho thấy là một quốc gia có trách nhiệm, ủng hộ việc giải quyết mọi xung đột vũ trang bằng biện pháp hoà bình và dựa trên quan điểm chiến lược. Điều này được thể hiện ở quan điểm về vấn đề ổn định ở Afghanistan. Cần nhấn mạnh rằng, hiện nay không ít các phần tử cực đoan từ Trung Đông và Trung Á đang hướng đến Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar).

Cuối cùng, một phần riêng biệt của bài phát biểu đề cập vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình cấu trúc khu vực về kinh tế và an ninh. Mặc dù Việt Nam gia nhập ASEAN muộn hơn nhiều nước trong khu vực, song đã có những đóng góp rất tích cực để Hiệp hội tăng khả năng cạnh tranh, cũng như tạo ra những lựa chọn đa dạng hơn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác