(VOV5) - Thủ tướng cho rằng, cần có chủ đề cho Chiến lược, trong đó có nhấn mạnh đến một số trọng tâm như đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo độc lập chủ quyền...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP
|
Chiều 4/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chủ trì phiên làm việc của Tiểu ban. Tại phiên họp, các thành viên cho ý kiến vào chủ đề, kết cấu, đề cương sơ bộ và một số trọng tâm của Báo cáo Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.
Tại đây, Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban tiếp thu các ý kiến một cách chọn lọc, có cơ sở khoa học, rà soát, cân đối các nội dung, câu chữ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Đề cương chi tiết trình Hội nghị Trung ương X Khóa XII phải nêu được trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tổ biên tập, các bộ, ngành, địa phương phải rất quan tâm đến nhiệm vụ này, tập trung cán bộ giỏi nhất, chuyên tâm, chuyên trách triển khai nhiệm vụ vinh dự và nặng nề này.
Về chủ đề Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng cho rằng, cần có chủ đề cho Chiến lược, trong đó có nhấn mạnh đến một số trọng tâm như đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo độc lập chủ quyền... Thủ tướng cho rằng, phải nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế, văn hóa để nâng cao đời sống nhân dân. Chủ đề phải được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình xây dựng Đề cương chi tiết, đưa ra một số phương án để lựa chọn.
Về kết cấu của Đề cương sơ bộ, Thủ tướng cho rằng phải nêu được tình hình trong nước và quốc tế, quan điểm phát triển lấy khoa học công nghệ và con người làm trung tâm, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển... Đối với các đột phá chất lượng, Thủ tướng cho rằng ngoài các yếu tố như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo thì thể chế không thể bỏ qua. Về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng tán thành ý kiến việc phải đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 để khẳng định niềm tin và vị thế tốt như hiện nay của đất nước.