(VOV5) -Lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12), chiều ngày 18 và sáng ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp song phương với người đồng cấp Slovenia Marjan Sarec, Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Hà Lan Mark Rutte, Ba Lan Mateusz Morawiecki, Phần Lan Juha Sipila, Tổng thống Mông Cổ Khaltamaagiin Battulga và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. |
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước thành viên EU cùng thúc đẩy sớm ký và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA),vừa được Uỷ ban Châu Âu thông qua ngày 17/10/2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam -ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế một khi được tín nhiệm bầu vào vị trí này.
Lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác nhằm duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS). Các nước thành viên EU ủng hộ EVFTA và cho rằng việc sớm ký và thông qua EVFTA cũng sẽ là bước tiến rất có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa chiến lược kết nối EU- Châu Á của EU.
Gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, |
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Slovenia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp, lâu dài với các nước bạn truyền thống, trong đó có Slovenia.
Gặp gỡ Thủ tướng Tây Ban Nha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Tây Ban Nha khuyến khích các công ty Tây Ban Nha tăng cường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực Tây Ban Nha có thế mạnh và kinh nghiệm.
Trao đổi với Tổng thống Mông Cổ, hai bên nhất trí duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc Cấp cao và các cấp, cùng nỗ lực thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu các mặt hàng bổ trợ vào thị trường của nhau.
Thủ tướng Hà Lan và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng trước bước tiến trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Lan tạo điều kiện cho cho hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường Hà Lan.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ba Lan, hai bên nhất trí cho rằng Việt Nam và Ba Lan có quan hệ hữu nghị, bạn bè truyền thống, đây chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Trao đổi với Thủ tướng Phần Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Phần Lan tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai môt cách hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển cuả EU dành cho Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EC xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.
Chiều 19/10, theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Thủ đô Copenhagen, bắt đầu thăm chính thức Đan Mạch và dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G).