(VOV5) - Thủ tướng đề nghị tọa đàm trao đổi sâu hơn về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 và có các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 21/9 theo giờ địa phương, tại New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm chính sách với chủ đề: "Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động" với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc Tọa đàm chính sách với các giáo sư, chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ - Ảnh: VOV |
Phát biểu đề dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng nhằm cụ thể hóa Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa kỳ và Kế hoạch hành động triển khai thực hiện; trong đó có các lĩnh vực hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo và tư vấn chính sách. Thủ tướng đề nghị tọa đàm tập trung cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn vấn đề này; đồng thời trao đổi sâu hơn về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Theo quan điểm của tôi thì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức. Khi tư duy thay đổi, nhận thức thay đổi thì tạo ra nguồn lực. Thứ hai là động lực thì bắt nguồn từ đổi mới sáng tạo. Khi có đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra động lực mới. Thứ ba là sức mạnh thì phải từ nhân dân và doanh nghiệp. Với tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận như vậy, Việt Nam coi trọng đối thoại học hỏi, nâng tầm tư duy nhận thức của mình lên, hợp tác để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Trước mắt, chúng tôi đang ưu tiên cho tăng trưởng và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn".
Theo gợi ý của Thủ tướng, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình dự báo triển vọng kinh tế thế giới, nhận diện các thời cơ và thách thức, đặc biệt là những cơ hội về xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ, các động lực tăng trưởng mới... tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam. Những vấn đề cần lưu ý và khuyến nghị cho Việt Nam trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cho phát triển bền vững trong trung hạn, dài hạn... cũng được đề cập.