(VOV5) - 4 địa phương này sẽ được hưởng cơ chế đặc thù, ưu đãi về chính sách phí, dư nợ vay và cơ chế đất đai.
Đây là một trong những nội dung chính của Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Trong phiên họp Quốc hội sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Cơ chế đặc thù nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh, có tác động lan tỏa vùng miền, gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo nhưng cũng phù hợp khả năng cân đối ngân sách, tăng phân cấp phân quyền, tính tự chủ."
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đó, các tỉnh sẽ được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay, như tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40%; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không vượt quá 60%. Ngoài ra, Ngân sách thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Với Thừa Thiên Huế, phí tham quan di tích sẽ được thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước nhưng địa phương sẽ được bố trí đầu tư tương ứng để thực hiện đầu tư trùng tu di tích.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, động lực thì Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển để tạo sự lan toả cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước. Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp họ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác. Trên cơ sở kết quả thí điểm này, các cơ quan chức năng sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn quốc. Việc thí điểm vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.
Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế là những địa phương đều có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển. Riêng Hải Phòng là một trong những tam giác phát triển của phía bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), phát triển mạnh mẽ cả về tăng trưởng, thu ngân sách, hạ tầng, nông thôn mới.
Với Thừa Thiên Huế, theo nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh trở thành thành phố di sản trực thuộc trung ương nên cần có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho thành phố di sản. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu là một trong tứ giác phát triển phía Bắc, có động lực phát triển kinh tế Nghi Sơn. Lúc này Thanh Hoá đang thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện và phát triển. Tương tự, Nghệ An, tỉnh có dân số lớn thứ 4 cả nước, đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nên cần có cơ chế để những địa phương này phát triển hơn