Trung Quốc nên cùng với các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

(VOV5) - Điều này được các học giả quốc tế nhấn mạnh tại cuộc Tọa đàm đánh giá hành vi của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam  diễn ra sáng 21/6 tại Thành phố Đà Nẵng.

Trung Quốc nên cùng với các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - ảnh 1
Đông đảo học giả trong nước, quốc tế và người dân đến xem triển lãm


Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đi sâu phân tích ý đồ của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phân tích về khía cạnh pháp lý và hành động sai trái này. Nhiều học giả trong nước và quốc tế đã lên tiếng phê phán hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhất là các hành động bạo lực của các tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên biển, đâm chìm tàu cá Việt Nam. Để duy trì hoà bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, tăng cường xây dựng lòng tin, không có những hành động đơn phương, phá vỡ nguyên trạng.

Các học giả kêu gọi Trung Quốc sớm cùng với các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với tính ràng buộc cao để ngăn ngừa những hành động leo thang, gây căng thẳng ở Biển Đông. Việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử dựa trên luật pháp quốc tế về quyền  thụ đắc lãnh thổ để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận.

Giáo sư Eric Franckx, Đại học Tự do Brussel – Bỉ, cho biết: Chúng ta cần phải suy nghĩ việc này ở hai góc độ khác nhau từ đó xác định chủ quyền khu vực này dựa trên luật pháp quốc tế. Theo tôi, những bằng chứng từ 2 phía Việt Nam và Trung Quốc đưa ra thì những chứng cứ từ phía Việt Nam các bạn đang có sự thuyết phục hơn rất nhiều. Dù Trung Quốc  có tham gia vào vụ kiện này hay không thì Việt Nam cũng nên đưa việc này ra tòa án quốc tế, để qua đó có thể tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Trung Quốc nên cùng với các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - ảnh 2
Học giả nước ngoài ký tên vào bản đồ Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa tại triển lãm

Cũng trong sáng nay khai mạc Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.  Tại đây, lần đầu tiên nhiều tài liệu, hiện vật được giới thiệu khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ qua.

Nhà nghiên cứu  Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho biết: Những bằng chứng mang tính lịch sử và pháp lý của Việt Nam khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. Đây là bằng chứng góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao giúp chúng ta có đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để bảo vệ thắng lợi về mình. Tôi nghĩ bằng chứng mà  chúng ta trưng bày tại triển lãm này, giúp các nhà  nghiên cứu, đặc biệt là  các học giả quốc tế có thêm tư liệu cùng với chúng ta góp phần vào cuộc đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan trái phép của mình ra khỏi vùng biển Việt Nam”./.
                                      

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác