Truyền thông thế giới đưa tin Quốc hội Việt Nam phê chuẩn CPTPP

(VOV5) - Hãng tin AFP của Pháp nhấn mạnh Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay.

Ngày 12/11, nhiều hãng truyền thông thế giới đã đồng loạt đưa tin về sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Truyền thông thế giới đưa tin Quốc hội Việt Nam phê chuẩn CPTPP - ảnh 1 Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hãng tin AFP của Pháp nhấn mạnh Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận mà ông cho là nguyên nhân khiến người dân Mỹ bị mất việc làm. 

Hãng tin Reuters của Anh cho rằng là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất của khu vực nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, Việt Nam được cho là nằm trong số những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Theo Chính phủ Việt Nam, hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng 1,3%, trong khi xuất khẩu tăng 4% vào năm 2035.

Trong khi đó, hãng tin AP của Mỹ cho rằng với việc xuất khẩu một lượng lớn điện thoại di động, quần áo, giày dép, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam sẽ là một trong những nước thành viên được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Báo New York Times của Mỹ cũng dẫn lại tin của AP về sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn CPTPP.

Hãng tin Sputnik của Nga và báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đều đưa tin Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 7 thông qua Hiệp định CPTPP. 

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác