(VOV5) - Hai Thủ tướng ghi nhận quan hệ đối tác giữa hai nước được thiết lập trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, sự tương đồng lợi ích cũng như sự gắn kết ngày càng sâu sắc.
Thủ tướng Việt Nam (phải) và Thủ tướng Australia. - Ảnh: VOV |
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Australia Scott Morrison từ ngày 22 đến 24/8/2019 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung.
Hai Thủ tướng ghi nhận quan hệ đối tác giữa hai nước được thiết lập trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, sự tương đồng lợi ích cũng như sự gắn kết ngày càng sâu sắc. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy sâu rộng quan hệ hai nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Phản ánh cam kết chung về việc phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược, hai Thủ tướng nhất trí xây dựng Chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường với mục tiêu trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tạo thuận lợi việc tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông thủy sản, đẩy mạnh kết nối hai chiều, tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng và nắm bắt các cơ hội về kỹ thuật số của tương lai, trong đó có kinh tế số và chính phủ điện tử.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh cam kết thúc đẩy các cơ hội kinh tế song phương và hội nhập kinh tế khu vực thông qua các hiệp định thương mại tự do và hợp tác trong các khuôn khổ kinh tế đa phương, trong đó có APEC. Hai Thủ tướng cam kết Chính phủ hai nước sẽ hợp tác nhằm bảo đảm thực hiện thuận lợi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi trong năm nay.
Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ các đóng góp của Việt Nam cho an ninh thế giới, thông qua việc Lực lượng Quốc phòng Australia hỗ trợ đào tạo chuyên gia về gìn giữ hòa bình và vận chuyển quân nhân và trang thiết bị cho đợt triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình tiếp theo của Việt Nam. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tri thức và đổi mới.
Hai bên khuyến khích các địa phương đẩy mạnh hợp tác thông qua trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ kiến thức về quản lý, đặc biệt là trong quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông, giáo dục và đào tạo, và khởi nghiệp sáng tạo.
Với nền tảng 25 năm hợp tác về giáo dục và đào tạo, hai Thủ tướng nhất trí sẽ mở rộng hợp tác trao đổi tri thức sang các lĩnh vực mới thông qua tăng cường liên kết giáo dục và nghiên cứu trong các cơ chế hợp tác.
Hai bên cam kết sẽ tiếp tục xây dựng một cấu trúc khu vực mở, bao trùm, thịnh vượng và an toàn trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Hai Thủ tướng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp. Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ. Hai nhà Lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS và kêu gọi các bên tôn trọng và thực thi các phán quyết của các cơ chế này.
Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai bên kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế, và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay.