(VOV5) - Tăng giờ làm thêm để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.
Ảnh: quochoi.vn
|
Tiếp tục chương trình phiên họp 36, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.
Về việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với quy định hiện hành, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ nên áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: "Trong Luật chúng ta nên dữ liệu những trường hợp nào, ngành nghề nào được làm tăng thêm giờ và tăng thêm bao nhiêu giờ trong 1 tháng, 1 năm. Cần quy định cụ thể. Kể cả người lao động cũng bán sức lao động của mình để tăng thêm giờ. Kể cả người sử dụng lao động cũng lạm dụng để kéo dài thời gian làm việc. Nhưng tăng cũng phải tăng giới hạn nhất định chứ không phải 400 giờ như hiện nay".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ cần cân nhắc thấu đáo việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.
Vấn đề tăng giờ làm thêm để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam. Trong đó, phải bảo đảm các nguyên tắc phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; Áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và Bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng.
Cũng tại phiên họp, các ý kiến tán thành với dự thảo Luật lao động quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Chiều cùng ngày, cho ý kiến về một số vấn đề còn khác nhau của dự án Luật Thư viện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương quy định trong Luật trách nhiệm của nhà nước, có chính sách đầu tư cho thư viện Quốc gia và thư viện cấp tỉnh. Các đại biểu cũng đề nghị rà soát các chính sách đầu tư, cần tránh dàn trải và phát huy hiệu quả. Thư viện các huyện, xã do tỉnh chủ động xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: "Đây là chủ trương đúng, phù hợp với vai trò vị trí của thư viện quốc gia và thư viện cấp tỉnh, không đầu tư dàn trải. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn thì tập trung cho mô hình thư viện này. Tuy nhiên, quan điểm này chưa được thể hiện trong dự thảo Luật. Chính sách nhà nước để đầu tư chưa rõ trong dự thảo Luật. Tôi đề nghị bổ sung, quan điểm đúng thì phải có chính sách ở trong Luật".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” và quy định vào trong Luật.
Cũng trong chiều 14/8, cho ý kiến vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, các ý kiến đề nghị sửa tên Luật là “Luật Dự bị động viên” cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng. Đồng thời đề nghị chỉ quy định huy động khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ, trong chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm chất lượng lực lượng dự bị động viên, quyền của công dân và bảo đảm tính khả thi.