Việt Nam nhấn mạnh đóng góp của các Nghị viện vào việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ

(VOV5) - Diễn đàn Nghị viện năm nay tập trung vào 2 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đang được xem xét tại HLPF.

Từ ngày 16-18/7, tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Diễn đàn Nghị viện thuộc Diễn đàn Chính trị Cấp cao LHQ (HLPF) đã tiến hành phiên họp về các mục tiêu phát triển bền vững. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Vũ Hải Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự diễn đàn.

Việt Nam nhấn mạnh đóng góp của các Nghị viện vào việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ - ảnh 1

Đoàn Việt Nam tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Diễn đàn Nghị viện năm nay tập trung vào 2 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đang được xem xét tại HLPF, cụ thể là SDG-16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh và SDG-13 về biến đổi khí hậu. Trong phiên họp với chủ đề “Đầu tư cho các nghị viện là các cơ chế quản trị quan trọng”, đại diện Việt Nam đánh giá thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng, khiến cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của LHQ bị chậm lại, nhiều mục tiêu khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh đó, việc quan tâm thúc đẩy vai trò của các nghị viện - cơ chế quản trị quan trọng gắn với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) số 16 có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hành động của các nghị viện của mỗi quốc gia, đồng thời phối hợp, chung tay với cộng đồng quốc tế hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 và Chiến lược hành động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Tiếp đó, tại phiên thảo luận về chủ đề “Tăng cường thích ứng và tài chính khí hậu vì một thế giới bền vững và tự cường”, đoàn Việt Nam nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần coi ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển của mỗi quốc gia, từ đó tăng cường hợp tác trên nguyên tắc công bằng, trách nhiệm giữa các quốc gia, với sự hỗ trợ và tham gia hiệu quả của các cơ chế hợp tác và tổ chức quốc tế.     

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác