Việt Nam và Nhật Bản ký 12 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, môi trường, phòng chống khủng bố, cảng biển,...

(VOV5) - Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide và lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức.

Lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam diễn ra trọng thể vào sáng 19/10 tại Hà Nội. Sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tiến hành hội đàm, thảo luận các nội dung hợp tác, nhất là thúc đẩy hợp tác kinh tế và phòng chống đại dịch COVID-19. Hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và đối tác Việt Nam-Nhật Bản.

Việt Nam và Nhật Bản ký 12 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, môi trường, phòng chống khủng bố, cảng biển,... - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gặp gỡ báo chí - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide và lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Điều đó cho thấy Nhật Bản hết sức coi trọng Việt Nam, đối tác chiến lược sâu rộng của Nhật Bản kể từ năm 2014.

Tại hội đàm sau lễ đón, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy các biện pháp phát triển kinh tế, thương mại, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong phòng chống đại dịch COVID-19, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp, nguồn nhân lực.

Hai Thủ tướng cũng thống nhất tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế đa phương trên cương vị Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021. 

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; thúc để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 trong các hoạt động trên biển. Tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông; sớm hoàn thành bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và phù hợp với Luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật biển 1982.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí sau Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc các cơ chế đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, tăng cường hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng, an ninh, đặc biệt là về kinh tế. Hai là tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống COVID-19 và tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy mạnh khôi phục các hoạt động hợp tác giữa hai nước”.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định: “Tôi rất vui đến thăm Việt Nam, nước tôi công du đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng. Năm nay Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản thực hiện chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản là Quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới. Mối quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác và cuộc hội đàm hôm nay rất hiệu quả, qua đó đánh giá những tiềm năng hợp tác cần thúc đẩy”.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam để khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai nên sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide chứng kiến lễ ký 12 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, môi trường, phòng chống khủng bố, cảng biển, khu công nghiệp, khu thương mại, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn điện, y tế... kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác