Áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

(VOV5) - Đây cũng là đòn bẩy để nông nghiệp thành phố phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.


Trước bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu giữ tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu ngành nghề, thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là đòn bẩy để nông nghiệp thành phố phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Để khoa học kỹ thuật thực sự mang lại hiệu quả trong canh tác nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân thành phố cùng Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn và Sở Khoa học – Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tham gia ký kết chương trình phối hợp nhằm tạo sự liên kết cần thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Theo chương trình, các đơn vị cùng hợp tác đẩy mạnh khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi sản xuất, hướng tới hình thành nền nông nghiệp đô thị giai đoạn 2014 – 2020. Trong giai đoạn đầu triển khai chương trình, các cơ quan chuyên môn sẽ đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho hơn 120 cán bộ kỹ thuật địa phương và 1.000 nông dân, chuyển giao ít nhất 6 tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đến tận ruộng cho nông dân. Thành phố cũng đẩy mạnh chương trình dạy nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển kinh tế hợp tác. Ông Nguyễn Văn Quít, Chủ tịch Hội Nông dân quận 12, cho biết: "Khi chuyển sang nền nông nghiệp đô thị, người dân phải đầu tư các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Do đó áp dụng khoa học kỹ thuật phải được chú trọng. Sau khi tập huấn học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật thì chúng tôi hỗ trợ vốn theo quyết định của thành phố để nông dân đầu tư phát triển sản xuất".


Áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 1
Chăm sóc hoa lan giống ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố

 

Cho đến nay, tại các vườn rau, trang trại của thành phố, ngày càng nhiều vườn lưới, nhà kính theo mô hình mới mọc lên, thay thế dần cách canh tác nông nghiệp truyền thống vốn nhiều rủi ro trước kia, đời sống các hộ nông dân cũng khấm khá hơn nhiều. Tiêu biểu là gia đình anh Nguyễn Ngọc Long, ở ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, quận 12. Hiện anh Long đang là chủ 4 khu vườn trồng xương rồng, rộng hơn 40 ngàn mét vuông, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Ngọc Long cho biết:"Làm mô hình này tôi được Hội Nông dân xã cho đi học công nghệ và mô hình khác ở các tỉnh, sản xuất theo công nghệ hiện đại. Theo kiểu truyền thống thì không ổn định. Xương rồng là loại cây chịu hạn nên kinh doanh thì phải làm nhà kiếng. Công nghệ là những gì phải đơn giản và hiệu quả chứ thật ra không có gì to tát".

 

Áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 2
Năng suất dưa lưới áp dụng NNCNC cao gấp 3 lần trồng trong điều kiện bình thường


Cùng với việc chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người nông dân, thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của thành phố và cả nước tại huyện Củ Chi với quy mô 88 hecta và Trung tâm công nghệ sinh học tại quận 12 phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học, sản xuất chế phẩm sinh học và thí nghiệm đồng ruộng. Sau mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên về thực vật, Thành phố còn tiếp tục xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi ở huyện Bình Chánh trên diện tích 100 hecta và khu nông nghiệp công nghệ cao về thủy sản ở huyện Cần Giờ rộng 97 hecta. Những mô hình và công nghệ này sẽ được chuyển giao lại cho nông dân và doanh nghiệp để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, làm cơ sở cho việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hướng tới chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng tôi tiếp tục xây dựng mở rộng Trung tâm công nghệ sinh học để có nhiều nghiên cứu, kỹ thuật mới chuyển giao cho nông dân, thêm nhiều chương trình đào tạo để nông dân ứng dụng hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư đồng bộ cho hạ tầng nông thôn để áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp thành công".



Chỉ trong thời gian ngắn áp dụng cách làm mới với khoa học kỹ thuật, sản lượng canh tác nông nghiệp tại nhiều địa phương ở thành phố Hồ Chí Minh đã có mức tăng đáng kể. Những sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao không chỉ giúp phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững mà còn giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, góp phần hiệu quả vào chương trình xây dựng Nông thôn mới của thành phố./.

 


Phản hồi

Các tin/bài khác