(VOV5) - Dòng họ Là ở xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, từ lâu nổi tiếng là dòng họ hiếu học của tỉnh Sơn La.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dòng họ của đồng bào dân tộc Thái hiện có hơn 30 cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hơn 20 cháu đang theo học đại học, cao đẳng; hằng năm trên 80% số gia đình trong dòng họ được công nhận gia đình hiếu học; nhiều con, em trong dòng họ công tác tại các cơ quan của huyện, xã, hoặc là những giám đốc doanh nghiệp đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương... Đây thực sự là những tấm gương sáng để các gia đình và các dòng họ khác học tập, nhân thêm phong trào hiếu học ở Sơn La.
Trên căn nhà sàn của giá đình ở cạnh trường tiểu học Chiềng Bằng, ông Là Văn Khặn, Trưởng dòng họ Là, chia sẻ: Sinh ra trong gia đình có 5 người con, song không ai được đi học. Bản thân ông Khặn đến năm 11 tuổi cũng chưa biết chữ. Sau thấy 1 số trẻ em trong xã được học chữ, ông đi theo đến lớp. Không có sách vở, không có bút, ông đi xin đi học và cái chữ có sức hấp dẫn lạ kỳ đã giúp ông bền bỉ kiên trì vượt đói khát, theo đuổi đến bậc trung học sư phạm rồi về gieo chữ trên mảnh đất quê hương: "Cùng đi lớp của tôi có 6 người nhưng họ không chịu được, bỏ về hết, vì lúc đó còn nhiều thiếu thốn do thiếu cái ăn. Còn mỗi mình trụ lại đến cùng và ra trường."
Trước kia, ở bản Bó Ban, chị em đều không biết chữ vì người dân trong vùng quan niệm, con gái lớn lên chỉ cần làm nương làm ruộng, rồi lấy chồng sinh con. Nhưng ông Khặn đã vận động tất cả các con cháu trong gia đình đều đi học. Số học sinh nữ trong bản tăng dần, nhiều người trong dòng họ hiện là cán bộ thôn bản, cán bộ xã.
Bà Là Thị Háy cũng là một trong số đó: "Ngày trước tôi không được học hành gì, lúc đi làm công cho Hợp tác xã, người ta chấm công bao nhiêu mình biết bấy nhiêu, mình biết là mình thiệt mà vẫn phải chịu, nên là ấm ức lắm, tức lắm. Sau này, tôi động viên các cháu gái, phải học, phải biết chữ, không biết chữ không làm ăn tính toán gì được hết. Đời ông đời bà mình khổ, mình phải cho các cháu biết chữ để hết cái khổ."
Du khách đi thuyền thăm quan lòng hồ. Đây là tour du lịch của lòng hồ thủy điện của HTX Happy Land Quỳnh Nhai do anh Là Văn Phong sáng lập. - Ảnh: baosonla.org.vn |
Tiêu biểu về tinh thần hiếu học trong dòng họ phải kể đến chàng trai thuộc thế hệ “9x” Là Văn Phong. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh tế của Trường Đại học Tây Bắc, với kiến thức được học và niềm đam mê kinh doanh, Phong đã khởi nghiệp ngay từ chính mảnh đất quê hương. Phong cùng các bạn thành lập nhóm Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai vào cuối năm 2015.
Với mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, đầu năm 2017, nhóm đăng ký thành lập Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Là Văn Phong cho biết: "Ông tôi và các anh chị trong gia đình đều được học hành đến nơi đến chốn, và tiếp dõi theo truyền thống gia đình thì bản thân tôi sẽ cố gắng nhiều để không phụ lòng mong mỏi của ông bà cha mẹ. Tôi sẽ tiếp tục để đưa Hợp tác xã phát triển và đưa câu chuyện du lịch Quỳnh Nhai để nhiều du khách biết đến."
Nhờ quan tâm việc học mà trình độ dân trí của dòng họ Là ngày càng được nâng lên, cuộc sống ngày càng ấm no. Đến nay, hơn 100 hộ của dòng họ chỉ có 1 hộ nghèo, hiện được dòng họ giúp đỡ, hỗ trợ để phấn đấu thoát nghèo trong năm nay. Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ trong dòng họ Là đã tập trung phát triển hơn 400 lồng nuôi cá, mang lại thu nhập cao; nhiều hộ là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm trở lên, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đầy đủ, tham gia các hoạt động của dòng họ, của bản của xã.
Trên vùng mênh mông sông nước Chiềng Bằng, câu chuyện về dòng họ Là hiếu học vẫn tiếp tục được kể, góp phần thắp lên ngọn lửa hiếu học của đồng bào Thái nơi vùng cao Tây Bắc.