Nông dân ngoại thành Hà Nội đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

(VOV5) - “Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

 

Những năm gần đây, Thành phố Hà Nội tập trung hỗ trợ, khuyến khích phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên số một là đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, trong đó áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy được quan tâm hàng đầu.

Nông dân ngoại thành Hà Nội đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp - ảnh 1Việc áp dụng mô hình mạ khay tại huyện Thường Tín đã mang lại hiệu quả cao. - Ảnh: Báo Hà Nội mới. 

Thành phố Hà Nội có 24 quận, huyện, thị xã sản xuất nông nghiệp, là một trong những địa bàn có diện tích gieo trồng lúa lớn ở miền Bắc với diện tích gieo trồng lúa khoảng 180.000 ha/năm. Đến nay, Hà Nội có 35 dây chuyền gieo mạ khay tự động đang hoạt động, 330 máy cấy, diện tích lúa được cấy bằng máy mới đạt khoảng 5.000ha, chiếm 2,73% diện tích cấy lúa. Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu đưa diện tích mạ khay, cấy máy lên 10%.

Hà Nội tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình làm dịch vụ cơ giới hóa; ban hành chính sách hỗ trợ linh hoạt, khuyến khích phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, tăng mức hỗ trợ trực tiếp để khuyến khích người dân mua máy cấy tốt, máy có công suất lớn.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho biết: “Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này Hà Nội có khoảng 30% áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cơ giới hóa trong làm đất 90%, gặt 85% còn lại 2 khâu cấy và chế biến, bảo quản. Việc cấy máy giúp tăng năng suất, chất lượng hơn từ 10 đến 15% so với cấy tay thông thường. Riêng với cấy máy hiện nay tính chung mỗi một ha giảm chi phí đi so với sản xuất cấy tay thông thường khoảng 4 triệu đồng/ha. Tính 1 năm nếu tính cả việc tiết kiệm và giá trị năng suất tăng lên so với cấy tay thông thường thì toàn thành phố tiết kiệm được hơn 1000 tỷ đồng.”

Nông dân ngoại thành Hà Nội đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp - ảnh 2Nông dân xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) cấy lúa bằng máy. - Ảnh: Báo Hà Nội mới 

Huyện Phú Xuyên là một trong những huyện đi đầu ở Hà Nội trong việc gieo mạ khay, cấy máy. Huyện và các xã, hợp tác xã nông nghiệp luôn quan tâm tạo điều kiện và có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, phát triển mô hình gieo mạ bằng khay, cấy lúa bằng máy trên địa bàn huyện, như hỗ trợ mua kinh phí mua máy cấy, hỗ trợ các diện tích lúa cấy bằng máy.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên, cho biết: “Huyện Phú Xuyên xác định cơ giới hóa là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Huyện có chính sách hỗ trợ diện tích cấy lúa bằng máy, từ 50 - 70 triệu đồng/sào lúa nếu nông dân thực hiện chủ trương gieo mạ trên khay và cấy lúa bằng máy. Năm 2012 diện tích cấy máy của huyện chỉ đạt 70 ha nhưng tới nay số lượng này 1000 ha, diện tích gieo mạ bằng khay lên gần 14% diện tích trên địa bàn của huyện.”

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên xuất hiện một số mô hình điển hình gieo mạ khay, cấy máy của các tập thể, cá nhân được nhiều địa phương trong và ngoài thành phố Hà Nội tới thăm quan, học tập.

Ông Nguyễn Khắc Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Phú Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, cho biết: “Năm 2014 xã Nam Triều là xã đầu tiên của huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã viên thấy cấy máy chăm sóc lúa dễ hơn, phân bón cũng giảm, sâu bệnh ít hơn năng suất thì cao hơn từ 5 đến 10%. Từ đó, hợp tác xã mở các hội nghị tuyên truyền cho các xã viên tham gia sản xuất mạ khay cấy máy. Đến nay, tổng số máy toàn xã là 45 cái, diện tích cấy máy lên tới 90% diện tích trồng lúa.”

Gieo mạ khay, cấy máy giúp người nông dân giảm sức lao động, mạ ít bị chuột, sâu bọ phá hoại. Đồng thời giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt cỏ là loại thuốc độc hại tới môi trường, đa dạng sinh học của vùng sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người. Vì thế, được nông dân đồng tình ủng hộ, tích cực sản xuất lúa theo hình thức này.

Ông Lâm Văn Quý, người dân ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, cho rằng: “Công nghệ mạ khay, cấy máy thực sự hiệu quả. Bởi vì tiết kiệm nhiều chi phí, công lao động, mỗi ha tiết kiệm được từ 3 đến 5 triệu đồng, rút ngắn khoảng cách thu nhập của bà con nông dân, đặc biệt giảm bớt gánh nặng vất vả của bà con nông dân so với lối cấy tay truyền thống. Xã Nam Triều hiện đã đạt 90% mạ khay, cấy máy, chỉ còn lại một số vùng đồng chiêm trũng máy cấy không thể vào được để cấy.”

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tiếp tục tăng cường mở các lớp đào tạo chuyên sâu cho người vận hành, sử dụng máy móc, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ. Thành phố Hà Nội sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ mỗi huyện, thị xã thành lập từ 1 đến 2 Trung tâm sản xuất mạ khay, cấy máy đồng bộ ở tất cả các khâu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác