Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi

(VOV5) - Trong hoạn nạn, tình người càng thêm ấm áp với những nghĩa cử cao đẹp.

Cơn bão Yagi đi qua đã để lại những mất mát, tổn thương nặng nề cho người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc. Trước những thiệt hại to lớn đó, với tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã tổ chức quyên góp, ủng hộ, góp thêm nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ; tăng cấp không theo quy luật; thời gian lưu bão trên đất liền dài; vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Bão đi qua nhưng hoàn lưu bão gây mưa rất to khiến sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tiếp tục ập đến nhiều địa phương, gây thiệt hại hết sức nặng nề. Nhiều gia đình mất đi người thân, tài sản thì trôi theo dòng nước lũ.
Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi - ảnh 1Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đã nhanh chóng gửi tiền về hỗ trợ người dân trong nước

Dõi theo từng diễn biến của bảo Yagi, từ Nhật Bản, Ban chấp hành Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và Hội phụ nữ Việt Nam vùng Kansai - Trường Việt ngữ Cây tre đã nhanh chóng gửi về những phần tiền và gạo hỗ trợ cho người dân chịu thiệt hại do bão lũ.

Ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản cho biết: "Trong những ngày qua không chỉ riêng tôi mà hàng triệu người dân Việt Nam khác đều theo dõi tình hình và hướng về miền Bắc. Tôi không để sót bản tin nào từ cập nhật các diễn đàn trong nước và thông tin từ báo chí. Chính vì lẽ đó Tôi cùng BCH hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế quyết định hỗ trợ khẩn cấp kịp thời động viên tinh thần của Bà con và gia đình chiến sĩ có con hi sinh khi làm nhiệm vụ. Khi chúng tôi họp bàn và quyết định ngay trong đêm thì được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các Hội viên. Chúng tôi dưới sự chỉ đạo từ cơ quan đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka triển khai những việc tiếp theo để hỗ trợ đồng bào miền Bắc một cách tốt nhất có thể".

Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi - ảnh 21 tấn gạo đã được chuyển đến MTTQ tỉnh Tuyên Quang ngay khi địa phương này bị bão lũ tàn phá
Còn bà Lê Thương, Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Cây tre chia sẻ: "Khi xem hình ảnh và nghe những tiếng kêu cứu của những người dân ở Thái Nguyên và Yên Bái, tôi nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2020 ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Năm nay, trong cơn bão Yagi này, tôi nhận thấy sự đoàn kết của đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước. Chúng tôi ở xa nhưng lúc nào cũng hướng về quê nhà. Mặc dù không đến trực tiếp để thăm hỏi các gia đình được nhưng chúng tôi cũng gửi về những tình cảm, mong muốn động viên tinh thần bà con đang gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai".
Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi - ảnh 3

Vậy là từ tấm lòng của những người Việt ở Nhật Bản, chỉ 2 ngày sau khi cơn bão đổ bộ, 50 triệu đồng tiền mặt đã được chuyển đến các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão, trong đó có một phần gửi tới gia đình Trung tá – liệt sĩ Trần Quốc Hoàng và gia đình Đại úy – liệt sĩ Nguyễn Đình Khiêm, những người đã hi sinh khi bảo vệ người dân Quảng Ninh. Bên cạnh đó, 1 tấn gạo cũng đã được chuyển cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang để hỗ trợ kịp thời các gia đình bị mất hết tài sản do lũ lụt.

Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi - ảnh 4Người dân làng Tùng Luật gói bánh chưng...
Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi - ảnh 5và rang lạc, rim cá để gửi ra miền lũ

Từ Israel, bà Hồng Shuranys cũng đã viết những dòng đầy cảm xúc: “Cách đây 4 năm, miền Trung cũng ngập trong biển nước. Từng đoàn xe cứu trọ nối nhau từ miền Bắc vào và từ miền Nam ra. Và giờ đây những chuyến xe lại từ miền Nam và miền Trung hướng ra miền Bắc, trong đó có những người Quảng Trị quê tôi. Cảm động vô cùng!”. Kèm theo bài viết là hình ảnh những người dân làng Tùng Luật của chị gói bánh chưng, rang cá khô, chưng thịt để tiếp tế cho vùng lũ.

Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi - ảnh 6Bà Hồng Shuranys đi cứu trợ bão lụt năm 2020

Bà Hồng Shuranys tâm sự: "Quê tôi ở Quảng Trị, mảnh đất miền Trung hầu như năm nào cũng phải gánh chịu những trận bão lũ. Vậy mà năm nay cơn bão Yagi đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp cho nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Ở xa quê mà ruột gan nóng như lửa đốt, tôi đã gọi về làng Tùng Luật, góp sức với dân làng nấu cơm, làm bánh chưng để chuyển ra Bắc. Gia đình chồng tôi cũng trích 1 khoản 30tr đồng chuyển về VN để ứng phó kịp thời trong giai đoạn này. Tiếp sau đây, tôi sẽ cùng với cộng đồng người Việt bên này quyên góp để có thể chung tay làm nhẹ bớt những khó khăn nơi quê nhà"

Người Việt ở nước ngoài chung tay hỗ trợ người dân trong bão Yagi - ảnh 7Chị Khuất Thanh Thúy trong một lần thăm bệnh nhi ung thư

Càng những lúc khó khăn, nghĩa tình đồng bào càng trở nên lấp lánh. Mỗi người một tay, mỗi người một cách, tất cả đều đang hướng về người dân vùng lũ đang chịu nhiều đau thương, mất mát.

Chị Khuất Thanh Thúy, Trưởng nhóm thiện nguyện “Hãy yêu nhau hơn” từ Mỹ cũng đã kêu gọi mọi người cùng chung tay sẻ chia với quê nhà.

"Tôi rất lo lắng và cảm thấy bất an khi hàng ngày theo dõi tin tức về bão Yagi. Đồng bào trong nước đang ngày đêm oằn mình chống lũ. Tất cả đang hợp lực để hỗ trợ bà con. Thực sự trong lòng tôi rất ngổn ngang, nghĩ xem mình cần phải làm gì để góp 1 tay cùng với mọi người nơi quê nhà. Trước mắt tôi đã quyên góp trong bạn bè và cộng đồng ở đây. Thật cảm động khi mọi người ủng hộ rất nhiệt tình, mỗi người góp 1-2 trăm đô la hoặc nhiều hơn nữa. Tôi đã có khoảng gần 100 triệu rồi, và sẽ tham khảo để sử dụng những khoản quyên góp được một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất cho những người chịu thiệt hại do bão lũ gây ra" - chị Thúy nói.

Trong hoạn nạn, tình người càng thêm ấm áp với những nghĩa cử cao đẹp. Sẽ cần nhiều thời gian để khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra nhưng tinh thần “nhường cơm sẻ áo” đùm bọc lẫn nhau chắc chắn sẽ trở thành nguồn năng lượng quý giá giúp bà con vùng lũ có thêm động lực để sớm ổn định cuộc sống.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác